Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng: Câu chuyện thiên nhiên với con người

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/08/2023 05:29 GMT+7

VTV.vn - Chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, cả nước xảy ra 47 trận sạt lở đất, đá gây thiệt hại nghiêm trong cả về người và tài sản. Con số này gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những nguyên nhân gây sạt lở liên tiếp là do khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ và cả Bắc Bộ trong tháng 6-7 xảy ra nhiều ngày có mưa. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 50-100%, có nơi trên 100%. Mưa nhiều, đất đá đã chuyển sang trạng thái ẩm, thừa nước, cộng với địa hình đèo núi, taluy nên khi mưa với lượng nhỏ thôi cũng có thể kích hoạt gây ra sạt lở đất.

Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng: Câu chuyện thiên nhiên với con người - Ảnh 1.
Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng: Câu chuyện thiên nhiên với con người - Ảnh 2.
Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng: Câu chuyện thiên nhiên với con người - Ảnh 3.

Hình ảnh các vụ sạt lở đất trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, lượng mưa nhiều chỉ là một phần của nguyên nhân. Tình trạng phá rừng làm vườn, xây nhà cửa, công trình xây dựng sai quy hoạch, thậm chí trái phép... Nhiều hoạt động của con người đang làm trầm trọng, mất ổn định nền đất đá tại những khu vực sườn dốc.

Dự báo mưa lớn sẽ còn duy trì ở vùng núi Bắc Bộ trong đêm 8/8 và sáng 9/8. Tại Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, lượng mưa có thể vượt 100mm, tức là ngoài sạt lở đất thì nguy cơ cao xảy ra cả lũ quét.

Dù là yếu tố do thiên nhiên hay do những tác động từ các công trình xây dựng, thì quan trọng nhất vẫn phải là đảm bảo sự an toàn của người dân. Chiều 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Trong Công điện, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đồng thời, tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở; tiếp tục rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản trái phép để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai.

Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng: Câu chuyện thiên nhiên với con người - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

Liên tiếp các vụ sạt lở nghiêm trọng: Câu chuyện thiên nhiên với con người - Ảnh 5.

Kiến trúc sư Hoàng Việt Phương.

Cùng trao đổi về vấn đề này tại trường quay với PGS.TS Trần Tân Văn, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Kiến trúc sư Hoàng Việt Phương.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước