Hiện trường điểm sạt lở tại xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (Ảnh: TTXVN)
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, vào lúc 23h ngày 20/5, tại kênh Mái Dầm (ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 10m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 4m, diện tích mất đất 40m2.
Sau đó, vào lúc 2h ngày 21/5, tại kênh Mái Dầm (ấp Phú Trí B1, xã Phú Hữu, huyện Châu Thành) xảy ra vụ sạt lở với chiều dài 20 m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 7m, diện tích mất đất 140m2, ước thiệt hại 50 triệu đồng.
Tiếp đó, lúc 8h ngày 21/5 xảy ra sụp đất, sạt lở bờ kênh tại kênh Thạnh Đông (ấp Thạnh Thuận, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành) với chiều dài 15m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 4m, diện tích mất đất 60m2, ước thiệt hại 16 triệu đồng. Cả 3 vụ sạt lở đều chia cắt đường giao thông nông thôn.
Tính chung từ đầu năm đến nay, tại Hậu Giang đã xảy ra hơn 20 điểm sạt lở với tổng chiều dài sạt lở gần 450m; diện tích mất đất hơn 2.200 m2.
Còn tại Cà Mau, tình hình sạt lở ven sông trên địa bàn huyện Năm Căn vẫn hết sức phức tạp. Khu vực xã Tam Giang là điểm nóng sạt lở, tại đây từng xảy ra vụ sạt lở làm ảnh hưởng đến 14 căn nhà của 10 hộ dân. Hiện nay, khu vực này đang được ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ làm bờ kè chống sạt lở. Tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng.
Dự báo thời gian tới, tình hình thiên tai tại các tỉnh ĐBSCL còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!