Liên tiếp xảy ra tai nạn trên biển, nhiều tàu cá bị sóng đánh chìm

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 20/07/2024 22:29 GMT+7

VTV.vn - Từ tháng 5, khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên, các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra trên nhiều vùng biển.

Trong thời gian vừa qua, thời tiết xấu trên các vùng biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác trên biển cũng như du lịch biển đảo khi hàng loạt các chuyến tàu, phà phải hoãn, hủy lịch trình để đảm bảo an toàn.

Hôm nay (20/7), các chuyến tàu cao tốc ra đảo Phú Quý của Bình Thuận phải tạm dừng hoạt động do đang có gió mạnh cấp 5 - 6.

Vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, một dải hội tụ nhiệt đới hoạt động vắt ngang qua Việt Nam. Đây là dải thời tiết xấu, được hình thành do sự hội tụ của gió tín phong đông bắc và tây nam. Trên dải hội tụ thường xuất hiện áp thấp nhiệt đới hay bão. Khi dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh sẽ khiến đới gió tây nam mạnh hơn gây ra thời tiết xấu cả trên biển và gây mưa ở trên đất liền phía Nam.

Ngoài ra, từ tháng 6 đến tháng 12 cũng là mùa bão ở Việt Nam. Bão thường tập trung nhiều nhất trong các tháng 8, 9, 10.

Tàu, phà ra Phú Quốc bị ảnh hưởng do thời tiết biển xấu

Ngay từ đầu tháng 7 đến giờ nhiều vùng biển phía Nam đã có gió mạnh cấp 5 - 6, giật cấp 7 - 8. Vừa qua, hàng trăm ngàn hành khách đã bị mắc kẹt ở đảo Nam Du vì áp thấp nhiệt đới tương tác khiến gió mùa tây nam mạnh lên, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng.

Chỉ một cơn áp thấp nhiệt đới vừa qua đã làm gần 150 tour ra các đảo ở Phú Quốc bị hủy, hơn 100 chuyến tàu cao tốc chạy tuyến Rạch Giá - Phú Quốc, Rạch Giá - Nam Du và ngược lại phải tạm dừng hoạt động. Hơn 700.000 hành khách bị mắc kẹt. Với hơn 50 chuyến bay, 50 chuyến tàu, phà cao tốc đi và đến đảo, Phú Quốc đón hàng chục nghìn lượt khách/ngày.

Tuy nhiên, lượng khách đến đảo phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nhất là thời điểm mùa mưa, bão. Các doanh nghiệp lao đao khi hàng loạt các tour tham quan các đảo bị hủy, hàng nghìn vé tàu do khách đổi, trả.

"Công ty không có doanh thu trong những ngày thời tiết xấu, phải chi trả nhiều chi phí trong ngày như mặt bằng, bến bãi, lương nhân công", anh Vũ Xuân Thủy, Thuyền trưởng, Tàu cao tốc Superdong VII, Phú Quốc, Kiên Giang, chia sẻ.

Nếu như trước đây, hầu hết mọi người chọn đường hàng không để đến Phú Quốc, thì nay rất đông du khách chuyển hướng đến đảo bằng đường biển. Tuy nhiên nhiều người có xu hướng đặt tour từ sớm nên dễ gặp bất lợi khi gặp thời tiết bất ngờ chuyển xấu.

Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, các tàu, phà cao tốc ở Phú Quốc đã chủ động nâng cấp, bảo dưỡng trang thiết bị, chuẩn bị các phương tiện cứu sinh, phổ biến quy định an toàn cho hành khách trên những chuyến tàu ra vào đảo.

Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn biển

Thời tiết biển xấu không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, mà còn gây nguy hiểm cho hoạt động đánh bắt hải sản của bà con ngư dân. Thời điểm này năm 2023, vùng biển miền Tây Nam Bộ đã xảy ra 14 vụ tai nạn, làm chìm 5 tàu cá, khiến 6 người thiệt mạng, 2 người mất tích. Còn trong năm nay, từ tháng 5, khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên, các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra trên nhiều vùng biển.

Liên tiếp xảy ra tai nạn trên biển, nhiều tàu cá bị sóng đánh chìm - Ảnh 1.

Thời tiết biển xấu không chỉ ảnh hưởng đến du lịch biển, mà còn gây nguy hiểm cho hoạt động đánh bắt hải sản của bà con ngư dân. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Ngay tuần này, vào ngày 16/7, 1 tàu cá của Cà Mau khi đang hoạt động trên vùng biển Côn Đảo bất ngờ gặp sóng to, gió lớn dẫn đến chìm tàu. Toàn bộ 5 ngư dân ôm can nhựa và phao tròn nhảy khỏi tàu, sau đó được 1 tàu cá tiếp cận, đưa lên bờ.

Trước đó, đầu tháng 7, 1 tàu cá của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị sóng lớn đánh chìm khi cách mũi Vũng Tàu khoảng 43 hải lý về phía Nam Tây Nam, 1 người mất tích, 5 ngư dân được cứu vớt.

Còn trong hai ngày 2 và 3/5, đã có 4 tàu cá của Quảng Bình với 24 thuyền viên bị chìm do đã đi vào vùng biển động, mưa to, gió lớn kèm cơn lốc xoáy mạnh tạo nên cột nước khổng lồ đánh chìm tàu cá. Sau gần 1 tuần tìm kiếm, đến ngày 7/5, 13/24 thuyền viên được cứu sống, 1 người tử vong, 10 người mất tích.

Ngay sau vụ này, vào trưa ngày 30/5, một tàu cá của Quảng Bình lại bị dông lốc đánh chìm khi đang hành nghề trên biển. Rất may, 4 ngư dân đã được cứu vớt

Chiều 25/6, khi vừa ra khơi được hơn 1 tiếng, một tàu cá của TP Hồ Chí Minh gặp sóng to, gió lớn khiến tàu bị phá nước rồi chìm giữa vùng biển Cần Giờ. Hai ngư dân được các tàu đánh cá gần đó cứu sống kịp thời.

Từ nay đến cuối tháng 7, gió Tây Nam trên khắp các vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận, phía Tây của Nam Biển Đông gồm phía Tây huyện đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, mưa dông, lốc xoáy, biển động.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá hoạt động trong vùng thời tiết xấu, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định rà soát tàu thuyền, thông báo, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú.

An toàn trên biển mùa mưa bão

Hơn nữa, do ảnh hưởng của La Nina, năm nay bão với áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn trên Biển Đông. Việc chủ động chuẩn bị phòng tránh từ trước sẽ giảm thiểu được những tai nạn không đáng có.

Sau đây là một số lưu ý cho các ngư dân khi đánh bắt trên biển và các du khách đi du lịch biển mùa mưa bão nên ghi nhớ để hành trình được an toàn:

- Nguyên tắc sống còn cần ghi nhớ khi du lịch bằng tàu, thuyền là luôn mặc áo phao ngay khi bước chân lên tàu, tuân thủ mọi quy định nhà tàu đưa ra.

- Đừng quên kiểm tra vị trí các thiết bị cứu hộ, lối thoát hiểm để nhanh chóng di chuyển khi tàu gặp sự cố.

- Khi tàu di chuyển trên biển sẽ rất chòng chành, nên phân bố chỗ ngồi, chia đều sang hai phía và tránh các hoạt động mạnh như chạy, nhảy vì sẽ khiến cho tàu, thuyền mất trọng tâm và có thể bị lật.

- Với các tàu đánh bắt trên biển, cần phải có kỹ năng sinh tồn để duy trì sự sống trên biển nếu bất ngờ gặp thời tiết xấu, nhất là khi là đánh bắt xa bờ, phải chờ một thời gian mới được cứu hộ.

- Việc làm quan trọng nhất là chống mất nước cho cơ thể. Vì khi cơ thể mất nước 15% - 20% thể trọng sẽ dẫn đến tử vong. Lượng nước tối thiểu cần được cung cấp trên xuồng cứu sinh là 500 ml cho 1 người trong 1 ngày.

- Lưu ý sang ngày thứ hai bị nạn mới được sử dụng nguồn nước dự trữ. Mỗi một ngày, một người chỉ được uống không quá 500 ml nước, chia làm 3 - 4 lần.

- Khi sắp hết, rút xuống còn ít hơn, chủ yếu dùng để thấm miệng và cổ họng; chuẩn bị sẵn dụng cụ hứng nước mưa để trữ nước khi có thời cơ.

5 ngư dân tàu cá bị nạn trên biển được cứu sống kịp thời 5 ngư dân tàu cá bị nạn trên biển được cứu sống kịp thời

VTV.vn - Đồn Biên phòng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tiếp nhận 5 ngư dân trên tàu cá Cà Mau bị nạn trên biển được 1 tàu cá bạn cứu kịp thời đưa vào đảo để chăm sóc y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước