Để triển khai Luật đường bộ từ đầu năm sau, hiện dự thảo Nghị định về hoạt động vận tải đường bộ, đang được ngành giao thông triển khai xây dựng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, trong dự thảo nghị định này, những quy định về điều kiện kinh doanh của loại hình xe hợp đồng được đưa ra, thiếu chặt chẽ, giảm hiệu quả trong công tác quản lý, tạo lỗ hổng cho việc vi phạm qui định, về kinh doanh vận tải.
Theo dự thảo, xe hợp đồng chỉ được phép đón, trả khách tại địa điểm đã được ký kết trong hợp đồng, cấm gom khách hoặc bán vé lẻ. Các đơn vị kinh doanh vận tải phải lưu trữ hợp đồng cùng danh sách khách hàng tối thiểu ba năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chỉ ra một điểm bất cập: "Nếu áp dụng điều khoản này, các chủ thể kinh doanh có thể nhờ bất kỳ hành khách nào ký hộ hợp đồng. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước lại không có đủ nhân sự để kiểm tra hoạt động của từng xe."
Câu chuyện các xe hợp đồng "lách luật" để hoạt động như xe khách không còn mới. Nhiều nhà xe vẫn dễ dàng tổ chức đón, trả khách trái phép và bán vé lẻ thông qua các nền tảng mạng xã hội. Việc xử lý những hành vi này lại gặp khó khăn khi lực lượng chức năng không đủ cơ sở để xử phạt.
Đại úy Đặng Hoàng Anh, Đội 6 Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội, cho biết: "Khi kiểm tra, nhà xe chỉ cần cung cấp hợp đồng với đầy đủ thông tin về khách hàng và lộ trình, dù chúng tôi biết rõ nhà xe đang hoạt động trá hình. Trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng không thể xử lý."
Để tăng cường minh bạch và hiệu quả giám sát, quy định hiện hành yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải gửi thông tin tối thiểu về hợp đồng vận chuyển đến Sở Giao thông Vận tải qua email hoặc phần mềm quản lý trước mỗi chuyến xe. Quy định này đã giúp các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong kiểm tra và giám sát.
Ông Ôn Như Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Emdi, nhận xét: "Hệ thống hiện tại tất cả những chuyến đi đã đều được số hóa. Lộ trình đi của tài xế đón từ khách đầu tiên đến khách cuối cùng là hoàn toàn được lưu trữ lại rất dễ dàng truy xuất, cung cấp cho các bên khi cần. Từ khách hàng, tài xế các đơn vị quản lý vận tải đến đơn vị quản lý của cơ quan nhà nước".
Thế nhưng Dự thảo Nghị định đang không còn qui định cung cấp thông tin qua phần mềm. Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là tạo lỗ hổng cho các sai phạm và đi ngược với xu hướng hiện nay là tăng cường công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát và quản lý.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!