Lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam liệu có vội vã?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 28/09/2023 00:09 GMT+7

VTV.vn -Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề ra lộ trình tắt sóng di động 2G bắt đầu từ tháng 12 năm nay và hoàn thành vào năm 2024 - trong bối cảnh mạng 3G, 4G và 5G đã phổ biến.

Có câu hỏi đặt ra là: Liệu lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam - bắt đầu từ cuối năm nay có khả thi không khi mà hiện vẫn có tới 1/5 tổng số thuê bao đang sử dụng mạng di động 2G, chủ yếu là nhóm dân số cao tuổi hoặc người có thu nhập thấp.

Hay trong vòng 1 năm nữa, làm thế nào để phủ sóng 4G tới tận các thôn bản xa xôi và hải đảo trên toàn quốc để việc liên lạc của người dân qua điện thoại không bị gián đoạn?

Lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam liệu có vội vã? - Ảnh 1.

Những chiếc điện thoại trong ảnh trên - thường gọi là "cục gạch", chỉ có chức năng nghe gọi thuần tuý, sử dụng mạng 2G, không kết nối internet. Đây đã từng là niềm tự hào của nhiều người từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Nhưng theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ tắt sóng di động 2G bắt đầu từ tháng 12 năm nay và sẽ hoàn thành trong năm sau. Mục đích là để nhường chỗ cho các mạng di động tiên tiến hơn như 4G, 5G phát triển.

Đây được xem là bước tiến không thể thay đổi về mặt công nghệ. Tuy nhiên, việc tắt sóng 2G tại Việt Nam ở thời điểm này còn gặp nhiều thách thức.

Tính đến cuối tháng 8, Việt Nam vẫn còn hơn 23 triệu thuê bao 2G, tương đương với 1/5 tổng số thuê bao trên cả nước. Trong đó, đáng chú ý nhóm người dùng sử dụng điện thoại 2G chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo, những nơi sóng 4G chưa phủ rộng như sóng 2G.

Lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam liệu có vội vã? - Ảnh 2.
Lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam liệu có vội vã? - Ảnh 3.

Nhóm người dùng sử dụng điện thoại 2G chủ yếu sống ở khu vực nông thôn, nhóm dân số cao tuổi hoặc người có thu nhập thấp.

Còn trong lĩnh vực vận tải, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn khoảng 600.000 phương tiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sử dụng mạng 2G, tương đương với 60-70% tổng số phương tiện kinh doanh vận tải trên cả nước.

Nếu cắt sóng 2G, các doanh nghiệp, đơn vị vận tải vốn đã mua và sử dụng thiết bị mạng 2G từ trước sẽ phải chuyển đổi toàn bộ thiết bị giám sát hành trình.

Mạng truyền sóng 2G là công nghệ di động được phát triển ở Việt Nam từ năm 1993. Hiện tại, mạng 2G đã lạc hậu, tốc độ, tính năng kỹ thuật đều không đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại bộ phận người dân. Đồng thời không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông.

Và còn một vấn đề cần phải bàn, đó là mạng 2G từ nhiều năm nay đã được coi là "miếng mồi ngon" đối với tội phạm viễn thông, đặc biệt là tình trạng phát tán tin nhắn rác, lừa đảo qua tin nhắn, từ đó trục lợi từ người dùng di động mạng 2G.

Không sử dụng hạ tầng mạng viễn thông, không sử dụng SIM rác, chỉ với các trạm thu phát sóng di động giả mạo, các đối tượng xấu hiện nay đã có thể phát tán tin nhắn rác với số lượng lên đến 80.000 tin/ngày/1 thiết bị . Số tin nhắn rác ước tính được phát tán lên tới 151 triệu tin/1 tháng nếu mỗi tỉnh có 1 trạm.

Thủ đoạn phát tán tin nhắn mạo danh được tội phạm mạng thực hiện chủ yếu qua sóng mạng 2G. Do công nghệ này đã lỗi thời, tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng, tội phạm mạng có thể xâm nhập, nghe lén cuộc gọi, chèn tin nhắn. Mặc dù Việt Nam đã cấm nhập khẩu và sản xuất điện thoại chỉ sử dụng 2G và 3G, nhưng vì lợi nhuận, loại điện thoại này vẫn được nhập lập qua đường tiểu ngạch. Thậm chí còn xuất hiện loại điện thoại "làm giả sóng 4G" đánh lừa người tiêu dùng. Điều này sẽ chấm dứt khi sóng 2G được tắt.

Hiện việc duy trì sóng 2G cũng đang chiếm chỗ băng tần vốn có thể được sử dụng cho việc phát triển mạng 5G, 6G… Sử dụng mạng 2G, người dân cũng không thể tham gia các dịch vụ công online, mua sắm, giao dịch, khám bệnh trực tuyến… Vì vậy, công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ không thể trọn vẹn khi không thể tiếp cận các dịch vụ tới các thuê bao 2G.

Trên thế giới, quốc gia đầu tiên hoàn tất việc tắt mạng 2G là Nhật Bản, cách đây 11 năm. Trung Quốc đang nỗ lực tắt sóng 2G, với các chính sách khác nhau từ mỗi nhà mạng.

Thế nhưng tại Châu Âu, kế hoạch tắt sóng di động công nghệ cũ lại có sự khác biệt với phần lớn các nước trên thế giới. Hiện Châu Âu mới chỉ có khoảng 8 nhà mạng đang lên kế hoạch tắt mạng 2G, và cũng phải đến cuối năm 2025.

Các quốc gia châu Âu có xu hướng thận trọng trước việc tắt sóng 2G do sự phổ biến rộng rãi của các loại dịch vụ dựa trên công nghệ này. Trong đó phải kể đến các dịch vụ như giao tiếp giữa máy với máy (M2M) và Internet vạn vật (IoT).

Ngoài ra, Châu Âu cũng đang xem xét việc tái sử dụng công nghệ 2G cho các dịch vụ như internet vạn vật băng thông hẹp do chi phí thấp và phạm vi phủ sóng rộng.

Ở một số nước phát triển như Anh, các đồng hồ đo điện, nước đã được áp dụng công nghệ 2G để cung cấp thông số cho bên cung cấp thông qua mạng internet. Việc loại bỏ công nghệ 2G có thể sẽ làm ảnh hưởng, thậm chí là dừng hoạt động và phải thay thế hàng loạt.

Báo cáo về việc cắt bỏ mạng 2G của Anh đã nhấn mạnh rằng mạng 2G vẫn được sử dụng bởi các thế hệ cũ, những người không muốn có điện thoại thông minh có màn hình cảm ứng, khách du lịch đến Anh và người dùng ở một số vùng nông thôn chỉ có vùng phủ sóng 2G.

Các nhà mạng ở Châu Âu hiện đang đánh giá cách thức phù hợp nhất để tiến hành việc tắt mạng 2G, bao gồm việc thông báo cho người dùng trước 1-2 năm để thay thế thiết bị di động của họ, và có các ưu đãi để khuyến khích chuyển sang thiết bị mới hơn.

Không chỉ Châu Âu mà tôi được biết là 7 quốc gia khác ở châu Mỹ cũng dự kiến sẽ tắt mạng 2G vào cuối năm 2025. Vậy lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam từ cuối năm nay có vội vã không?

Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G - để thúc đẩy mục tiêu đề Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra chiến lược về phát triển hạ tầng, hướng tới mỗi hộ gia đình có đường kết nối cáp quang, và mỗi 1 người dân 1 điện thoại thông minh. Định hướng các nhà mạng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân để chuyển sang mạng di động 4G, 5G.

Dù vẫn còn nhiều thách thức, lộ trình tắt sóng 2G cần được tính toán dựa trên nguyên tắc không để người dân bị mất liên lạc.

Đây được coi là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số.

Lộ trình tắt sóng 2G của Việt Nam liệu có vội vã? - Ảnh 4.

Cùng tham gia trao đổi trong chương trình là ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước