Phòng nhỏ, giá to
Đón đầu nhu cầu thuê phòng tăng cao trước thềm nhập học, nhiều chủ trọ, người kinh doanh phòng trọ đang đẩy giá phòng, gây khó khăn cho đối tượng sinh viên và những người lao động có mức thu nhập thấp. Theo ghi nhận, tại khu vực trung tâm quận Cầu Giấy, Ba Đình… những căn hộ mini cho thuê có giá dao động từ 3,5 - 5,5 triệu đồng tùy vào diện tích và cơ sở vật chất theo phòng. Cá biệt có những chủ trọ, người kinh doanh trang trí thêm ít đồ dùng trong phòng chỉ để ép giá.
Phòng trọ “hộp diêm” trên đường Nguyễn Khang, đứng trong phòng cũng khó khăn, một phòng lớn chia thành 4 đến 6 “hộp diêm” và người đi thuê phải bỏ ra chi phí 1,9 triệu đồng/tháng (1,4 triệu đồng tiền thuê phòng, 500.000 đồng phí dịch vụ) thế nhưng mô hình này vẫn “đắt khách”.
Ở phân khúc thấp hơn, tìm đến những phòng trọ có giá dưới 3 triệu đồng, người đi thuê sẽ nhận được những phòng trọ chỉ có một giường, tủ đi kèm với không gian chật, hẹp và các bất lợi như nhà vệ sinh chung, không có nơi để xe, không có điều hoà… Những căn phòng trọ này thường đã cũ hoặc là những phòng được cơi nới, dựng thêm bằng những vách ngăn, nhiều phòng thậm chí còn ẩm mốc. Nhìn chung, "tăng giá – giảm diện tích" là tình hình chung của thị trường phòng trọ, căn hộ mini cho thuê trước thềm tân sinh viên ồ ạt đến các thành phố lớn nhập học.
Nhiều phòng trọ đơn dành cho sinh viên, người đi làm có giá 2,8 triệu đồng cho 16m2. Thậm chí, có nhiều phòng trọ chỉ rộng 18m2 được các chủ trọ sắp xếp thêm bàn ghế, 1 đến 2 bức tranh, ngay lập tức căn phòng được "hô biến" thành phòng đủ đồ, đầy đủ tiện ích và những căn phòng như vậy có giá 3 - 4 triệu đồng/căn.
Căn phòng với thiết kế ngủ cạnh bình nóng lạnh có giá 3,5 triệu đồng và căn phòng chưa đầy 15m2 có giá 3,2 triệu đồng.
Thậm chí, có nhiều phòng dù không sở hữu những "tiện ích" như quảng cáo tuy nhiên giá dịch vụ, giá điện nước và giá phòng cũng ở mức "ngất ngưởng" vì "gần trung tâm". Chị Hoàng Minh Nguyệt (SN 2002, Hà Nội) cho biết: "Phòng mình phải leo bộ 5 tầng, tiện ích cũng không đầy đủ, giá điện 4.500 đồng/số, nước 35.000 đồng/m3. Giá cao nhưng do gần trường nên mình đành chấp nhận''.
Ngoài ra, người thuê nhà cũng gặp những tình trạng phổ biến như hình trên mạng không giống như thực tế do những người "rao nhà" chụp ảnh bằng hiệu ứng góc rộng. Nhiều người đã không giấu nổi sự thất vọng vì "nhà không như quảng cáo". Thậm chí, nhiều đối tượng còn lợi dụng nhu cầu "khát" phòng trọ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản (tiền cọc) của nhiều sinh viên.
Liên tục có những bài cảnh báo về tình trạng lừa cọc tiền trọ.
Chật vật tìm phòng
Sau khi chắc suất đỗ xét tuyển một trường đại học tại Hà Nội, Huy Tuấn (SN 2005) quyết định "xuất phát sớm" đến Thủ đô với tâm lý tìm được phòng trọ giá hợp lý, sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng sau gần 3 tuần tìm kiếm trên các hội, nhóm cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội, đi xem hơn 10 căn phòng, Tuấn vẫn chưa thể ra quyết định vì chưa tìm được nơi nào phù hợp với tài chính gia đình.
"Mỗi tháng gia đình sẽ chu cấp cho em 2,5 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt và xăng xe thì ngân sách em có thể chi cho tiền thuê trọ khoảng 1,5 triệu mỗi tháng. Em có tham khảo các phòng đơn thì đa phần giá thuê nhà và dịch vụ đã lên tới 1,8 - 2 triệu đồng. Những phòng rẻ hơn thì chất lượng quá tệ, nhiều phòng dạng hộp diêm, đến việc hít thở cũng khó khăn".
Căn phòng “bất đắc dĩ” tại Bắc Từ Liêm được chủ trọ dựng trên nóc nhà để có thêm phòng cho thuê, cơi nới thêm cầu thang, dây điện… tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Không chỉ những sinh viên năm nhất mới gặp khó khăn khi tìm phòng trọ ở Hà Nội thời điểm này mà kể cả những sinh viên năm 3, năm 4 cũng chật vật tìm trọ. Anh Nguyễn Minh Quang cho biết: "Hồi năm nhất, phòng 2 triệu là rộng, là đầy đủ tiện ích, ở thoải mái rồi. Bây giờ, tìm phòng 2 triệu còn khó chứ đừng nói là 2 triệu còn đòi đầy đủ tiện ích".
Nhiều hội nhóm hỗ trợ tìm trọ, cho thuê phòng trọ ra đời, tuy nhiên do mức giá vẫn ở mức cao, khó tiếp cận. Vì vậy, nhiều sinh viên phải chấp nhận cảnh "nay đây mai đó", phải trả số tiền "khổng lồ" khi sử dụng dịch vụ "cho thuê phòng trọ theo ngày" đến khi tìm được phòng trọ "hợp túi tiền''.
Cá biệt, nhiều tân sinh viên mắc phải tình trạng "lừa đảo cọc tiền trọ". Nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng nhu cầu thuê phòng trọ tăng cao, đăng bài "chào hàng" trong các hội, nhóm cho thuê phòng trọ, căn hộ… với giá rẻ và sau đó bắt người thuê phải cọc một khoản tiền để "giữ nhà". Hình thức lừa đảo này không mới nhưng cũng không ít người vẫn bị mắc lừa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!