Lời kể của nạn nhân trở về từ vùng “đất hứa” mang tên “việc nhẹ lương cao”

Gia Hoàng - Ngọc Phức-Thứ năm, ngày 26/09/2024 20:27 GMT+7

VTV.vn - Những mánh lới lừa đảo “việc nhẹ lương cao” từng được các cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều lao động sập bẫy.

Mặc dù cơ quan chức năng và các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn "việc nhẹ lương cao" mà các đối tượng xấu đã sử dụng để lừa đảo các lao động xuất nhập cảnh trái phép, nhưng vẫn còn rất nhiều người vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc vì một lý do nào đó vẫn trở thành nạn nhân của các chiêu trò này.

Ban đầu họ là nạn nhân sau đó khi sang đến nơi đất khách quê người, họ buộc phải tiếp tay cho kẻ xấu đi lừa chính những đồng bào mình tại Việt Nam. Vậy ở đây các nạn nhân được đào tạo với quy trình lừa đảo ra sao?

Lời kể của nạn nhân trở về từ vùng “đất hứa” mang tên “việc nhẹ lương cao” - Ảnh 1.

Chiếc khăn mặt là hành trang còn lại duy nhất của một nam thanh niên khi trở về từ nơi mang tên "việc nhẹ lương cao". Sau khi công ty cắt giảm nhân sự vào năm 2023, người này bắt đầu tìm kiếm công việc mới thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội.

Nam thanh niên nhận được lời mời làm công việc tuyển dụng nhân sự cho một công ty ở nước ngoài, kỹ năng cần thiết là biết sử dụng máy tính, với mức lương hứa hẹn là 20 triệu đồng. Sau khi di chuyển chuyển từ Việt Nam sang Thái Lan, nam thanh niên được đón lên xe và xuất nhập cảnh trái phép sang nước thứ 3. Tới đây, màn kịch tuyển dụng nhân sự miền "đất hứa" bắt đầu lộ diện.

"Công việc của mình là lừa tiền người Việt Nam. Mình chưa lừa ai, mình chỉ làm ở bước 1 - nói chuyện tình cảm. Khi nào người ta có tình cảm, yêu mình thì mình chuyển, lúc đó là hết nhiệm vụ của mình", nạn nhân kể lại.

Mỗi ngày, nạn nhân sẽ phải lên mạng xã hội làm quen, nói chuyện với khoảng 40 đến 50 người cả nam và nữ. Độ tuổi mà các đối tượng lừa đảo phải hướng đến thường trên 40 tuổi, vì ở độ tuổi này, công việc và tình hình tài chính thường đã ổn định.

Lời kể của nạn nhân trở về từ vùng “đất hứa” mang tên “việc nhẹ lương cao” - Ảnh 2.

Sau khi xác định được "khách hàng", những mánh khoé, thủ đoạn và kịch bản cho từng độ tuổi sẽ được vẽ ra theo thông tin thu thập trên tài khoản mạng xã hội của họ. Song song với đó là một "giáo trình" minh hoạ các tình huống hội thoại đã được chuẩn bị từ trước ngày 1 làm quen ra sao, ngày 2 quan tâm thế nào.

Sau khi nạn nhân bắt đầu có tình cảm, các đối tượng bắt đầu sử dụng các công cụ cao hơn để lừa đảo, chiếm lấy lòng tin của các nạn nhân. Từ đó dụ dỗ các nạn nhân đầu tư tiền qua một ứng dụng và chiếm đoạt số tiền đó.

"Thường trước khi đi ngủ sẽ gọi điện facetime nói chuyện. Fake cả mặt cả giọng. Hình ảnh của mình là nam nhưng trên hình là nữ, có thêm công cụ hỗ trợ là tóc giả. Giọng thì người ta cắt tiếng một đoạn video rồi chế được giọng thật. Sau một tháng mình làm thì thấy công việc này không đúng với cái tâm, mình quyết định đàm phán với hắn là từ bỏ công việc này không làm, chấp nhận bồi thường mọi chi phí", nạn nhân kể lại.

Trường hợp trên chỉ là một trong số nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép đã may mắn trở về được. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tỉnh Nghệ An có 31 trường hợp lao động bị trục xuất, trao trả qua biên giới. Ngoài các nạn nhân bị lừa đảo theo chiêu trò "Việc nhẹ - Lương cao", thì có nhiều lao động cố tính xuất cảnh để lao động chui mà không biết những rủi ro đang rình rập nơi xứ người.

Hơn 1 tháng sau khi trở về nhà, người thanh niên trên vẫn chỉ quanh quẩn phụ giúp việc gia đình. Vẫn giật mình tỉnh giấc khi những ký ức về miền đất hứa "việc nhẹ lương cao" hiện lên, thế nhưng với họ, được trở về quê hương, được nhìn thấy mẹ, thấy nếp nhà quen thuộc là may mắn rồi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước