Nguyên nhân sạt lở ban đầu được nhận định là do khu vực này chịu ảnh hưởng bởi tác động của dòng chảy. Lượng tàu thuyền, sà lan tải trọng lớn lưu thông qua lại ngày, đêm, chạy với vận tốc lớn, từ đó làm đất dưới lòng kênh bị xói mòn, cuốn trôi gây sạt lở.
Những dấu hiệu rạn nứt, sụt lún mặt đường ngay chân cầu Bún Bà Của được người dân địa phương ghi nhận vào sáng ngày 1/7. Lề đường phía kênh Dương Văn Dương, cách tim đường 4,5m bị sụt, lún 30cm so với mặt đường. Lo sợ mất an toàn, người dân vội thông báo chính quyền địa phương xử lý.
Tình trạng sạt lở diễn tiến rất nhanh, đến trưa cùng ngày, sụt lún càng sâu thêm, từ 30cm thành 90cm so với mặt đường. Đoạn sạt lở, sụt lún kéo dài gần 20m, làm hư hỏng hàng rào bảo vệ an toàn đường giao thông và gây khó khăn cho phương tiện tham gia giao thông.
Chiều cùng ngày, đơn vị quản lý đã đổ đá và gia cố bằng cừ tràm, cừ thép lá sen để khắc phục, ngăn chặn sạt lở diễn biến xấu.
Theo nhận định của địa phương, đây là vụ sạt lở nghiêm trọng. Hiện mặt đường hẹp, kè không kiên cố, trong khi đây là tuyến đường huyết mạch của các huyện Đồng Tháp Mười và một số tỉnh bạn nên lưu lượng phương tiện rất lớn, khả năng thời gian tới sẽ còn sạt lở thêm, vì vậy kiến nghị Khu quản lý đường bộ số 4 có biện pháp khắc phục lâu dài, hoàn chỉnh để bảo đảm hạ tầng giao thông.
Mặc dù chưa bước vào cao điểm mưa bão nhưng đây đã là vụ sạt lở thứ 6 liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh, tính từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy tình hình thiên tai do sạt lở, sụt lún đất dọc bờ sông vẫn ngầm tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường với mức độ ngày càng nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!