Sau khi thu hoạch xong tôm hùm, những lồng nuôi được kéo vào bờ. Chúng được làm mới để chuẩn bị cho vụ nuôi kế tiếp. Đây là công việc rất đỗi bình thường ở vùng nuôi tôm hùm các tỉnh Nam Trung Bộ. Thế nhưng, những tấm lưới bao quanh lồng tôm hùm được gỡ ra và vứt ngay xuống biển. Không dừng lại ở chuyện gây ô nhiễm. Cứ một tấm lưới bị vứt xuống biển cũng đồng nghĩa biển hứng chịu thêm rác thải. Lo ngại hơn, thứ rác thải này lại là những tấm lưới đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật biển. Các nhà khoa học gọi là ''lưới ma''.
Trong một báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới, mỗi năm, không dưới 640.000 tấn ngư cụ bị bỏ lại trong các đại dương, trở thành "lưới ma" và là ngọn nguồn gây ra cái chết của hàng nghìn cá thể sinh vật biển. Ở vùng biển các tỉnh Nam Trung Bộ, những người lặn biển thường xuyên bắt gặp những tấm ''lưới ma'' và chứng kiến không ít sinh vật biển bị mắc vào lưới. Thế nhưng ngay cả những người dân biển cũng không nhận ra mối nguy hại này.
Mỗi lồng nuôi tôm hùm ít nhất có một tấm lưới bao quanh. Cứ sau 1-2 năm, lưới cũ được gỡ bỏ. Phần lớn, chúng bị vứt xuống biển, trở thành ''lưới ma''. ''Lưới ma'' cũng vì thế gia tăng, nhất là khi Nam Trung Bộ có đến hàng trăm ngàn lồng tôm hùm.
''Lưới ma'' như những "kẻ sát thủ" thầm lặng trong lòng đại dương. Trong khi đó, cứ vào mùa làm vệ sinh lồng tôm hùm lại có thêm hàng nghìn tấm lưới vứt xuống biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!