Đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam trải qua hơn 3 tuần nhưng số ca mắc COVID-19 đã lên gần 1.800, xuất hiện tại 30 tỉnh, thành. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế, biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…).
"Đường lây truyền của virus không thay đổi, nhưng nhiều khi chúng ta đã quên mất cách phòng bệnh. Chúng ta quên mất việc phải mở cửa, thông thoáng khí. Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, nhà máy trong khu công nghiệp", TS Phu phân tích.
Hay như ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành lây nhanh một phần do có các hoạt động tập trung đông người như các đám cưới, đám giỗ…
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế.
"Về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý vẫn có thể có những "ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn". Khi đó, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế" có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh"- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến nghị.
"Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược "phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả" của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì", TS Phu khẳng định.
Các bệnh viện "cảnh giác" người bị sốt đến khám
Mặc dù thời gian qua nhiều ca bệnh không có triệu chứng (khoảng hơn 60% các ca bệnh), chỉ được phát hiện qua truy vết, xét nghiệm, tuy nhiên sốt vẫn là một dấu hiệu quan trọng. Người bị sốt sẽ đến bệnh viện khám, đây sẽ là các ca "chỉ điểm". Thực tế đã có những ca bệnh được phát hiện ở huyện Thường Tín (Hà Nội), Hải Phòng hay TP Hồ Chí Minh đều từ dấu hiệu này.
"Vì thế, các bệnh viện cần hết sức cảnh giác với những trường hợp này. Bên cạnh đó, khi bị sốt người dân sẽ ra hiệu thuốc mua thuốc, các quầy thuốc cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, thông báo cho y tế cơ sở khi có người bị sốt đến mua thuốc"- Chuyên gia Trần Đắc Phu khuyến nghị.
Về phía các cơ sở y tế cũng cần chú ý thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cao ( khoa khám bệnh, khu vục cấp cứu, hồi sức, thận nhân tạo...), những người bệnh nằm viện lâu ngày...
Những lưu ý đối với khu công nghiệp để "ngăn" dịch xâm nhập
Với các khu công nghiệp, PGS.TS Trần Đắc Phu đặc biệt nhấn mạnh yếu tố phòng bệnh vô cùng quan trọng, cần đặt lên hàng đầu bởi môi trường làm việc của khu công nghiệp thường có số lượng người nhiều, mật độ tiếp xúc dày...
"Chỉ cần một công nhân nhiễm COVID-19, cả dây chuyền, cả phân xưởng, thậm chí cả khu công nghiệp, khu chế xuất phải ngừng sản xuất để thực hiện cách ly chống dịch. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đời sống, việc làm của công nhân"- PGS.TS Trần Đắc Phu cảnh báo.
Trên thực tế trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang đã được ghi nhận không ít khiến số lượng F1, F2 liên quan gia tăng nhanh chóng.
Chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh, trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong các khu công nghiệp cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp.
Chẳng hạn tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn ở bàn ăn, doanh nghiệp nên điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người.
Thực hiện giãn cách, trang bị tấm kính vách ngăn bàn ăn tại một khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Doanh nghiệp cũng rà soát lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch bệnh tại doanh nghiệp, sẵn sàng kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất; khuyến khích người lao động làm việc tại nhà, thực hiện giãn cách, giãn tiến độ sản xuất.
"Riêng đối với những doanh nghiệp có xe đưa đón công nhân, cần thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định, mở cửa, nắm chắc thông tin dịch tễ của công nhân – lao động để chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khi có tình huống xảy ra."- PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Đồng thời cần mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa, hạn chế đông người như bố trí ca làm việc. Đặc biệt có người bị sốt phải được xét nghiệm kịp thời…
"Ngoài cộng đồng vẫn có thể có ca bệnh mà chúng ta chưa phát hiện ra vì thế vẫn cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Làm tốt điều này chúng ta sẽ hạn chế được rất lớn sự phát tán mầm bệnh"- chuyên gia Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!