Vẫn biết "khéo làm thì no, khéo co thì ấm" nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, hẳn nhiều người lao động nghèo vẫn còn đang phải chạy ăn từng bữa, chứ chưa nghĩ gì xa xôi hơn là sắm Tết.
Mỗi người mỗi nỗi lo dịp Tết
Những món đồ chơi sặc sỡ này từng là niềm vui và là phương tiện mưu sinh của anh Đặng Đình Tuấn (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Dịch bệnh bùng phát khiến anh phải tiếc nuối cất các món đồ này vào thùng, dừng công việc bán đồ chơi dạo quanh Hà Nội để bắt đầu tìm kiếm 1 công việc mới.
Anh Tuấn chia sẻ: "Trước đây, tôi đi bán đồ chơi cũng được nhưng bây giờ dịch bệnh không bán được nữa, giờ thành ra là đi shipper. Cột sống của mình bị ảnh hưởng, nó bị đau các thứ. Trước thì làm đến chiều nhưng bây giờ chiều mình vẫn phải đi làm thêm cả buổi tối nữa, làm gấp 2 - 3 lần trước nhưng làm bao nhiêu vẫn không thể đủ được".
Làm bao nhiêu cũng không thể đủ bởi cậu con trai 8 tuổi của anh đang bị u não, vợ anh phải nghỉ làm để chăm con trong bệnh viện. Giờ Tết cận kề, cũng chẳng biết tính sao, khi mà quanh năm nhà anh đã phải vay mượn để điều trị cho con.
Ai cũng có những nỗi lo và mong cầu riêng, kể cả là những người trẻ còn độc thân. Chấp nhận mở quán cafe hơn 1 năm nay, nhưng chị Nguyễn Ngọc Thủy Tiên (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng lao đao khi dịch bệnh khiến cửa hàng cứ hết được ngồi tại chỗ lại đến chỉ được bán mang về. Chị phải cùng lúc làm thêm nhiều công việc khác mới mong có đủ mức chi tiêu cho dịp Tết này.
"Đối với mình bán mang về là như đóng cửa luôn, nguồn thu không có. Hiện tại mình cũng có làm cộng tác viên cho một vài bên như viết content, nhưng không hiểu sao đi làm cũng nhiều công việc nhưng nguồn thu lúc nào cũng rất ít, không đủ. Càng lớn mình càng sợ Tết, nếu bảo mang tiền về cho mẹ thì cũng không hẳn, bởi mẹ mình không bắt mình phải mang tiền về. Nhưng cá nhân mình là người con lớn trong gia đình thì luôn tự đặt cho mình áp lực đó" - chị Nguyễn Ngọc Thủy Tiên chia sẻ.
Lo cho gia đình, lo cho bố mẹ, lo cho con cái, lo cho những nhu cầu tối thiểu của những ngày Tết đến Xuân sang, mỗi người vẫn đang phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần Tết này, dù có mang được tiền về cho mẹ hay không, cũng chỉ mong không ai phải mang ưu phiền.
Hỗ trợ lao động khó khăn và kích cầu tiêu dùng dịp Tết 2022
Chia sẻ với những nỗi lo và những khó khăn của người lao động, nhiều chương trình đã được ra đời bởi nhiều tổ chức và các đơn vị. Trong đó, khoảng 10.000 người lao động tại Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí là 10 tỷ đồng, để có một mùa Tết ấm no, sum vầy bên gia đình.
Chương trình "Tết sum vầy - Xuân bình an" năm 2022 vừa được tổ chức tại Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như: gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả và bốc thăm trúng thưởng. Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội cùng Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã trao tặng 2.000 suất quà cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bằng tiền mặt cùng với đó là hỗ trợ xe đưa đón về quê ăn Tết. Sở Công thương Thành phố Hà Nội cũng đã có những chỉ đạo tổ chức chương trình bình ổn giá, tại các hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhiều mặt hàng như nông sản mà nông dân gặp khó khăn, cũng được hỗ trợ bán không lợi nhuận. Gần 2.000 chương trình khuyến mại với tổng trị giá trên 5.000 tỷ đồng được triển khai, chủ yếu tập trung vào mặt hàng lương thực - thực phẩm chế biến.
Không chỉ những người lao động nghèo mà nhìn chung trải qua một năm dịch bệnh khó khăn, Tết này, nhiều gia đình cũng phải thắt lại chi tiêu, sao cho vừa đủ mà vẫn hợp lý. Một trong những cách làm hay đó là tự trang trí nhà cửa, tự làm những đồ trang trí thay vì đi mua sắm như mọi năm trước dịch bệnh; vừa giúp tiết kiệm chi tiêu, vừa là một cách để các thành viên quây quần bên nhau dịp lễ Tết truyền thống.
Bài toán chi tiêu tiết kiệm cho ngày Tết mùa COVID-19
Dọn nhà đón Tết năm nay, gia đình chị Nguyễn Thu Hiền (Quận Tây Hồ, Hà Nội) đã quyết định tự làm đồ trang trí thay vì mua sẵn. Các món đồ handmade giúp gia đình tiết kiệm đến 50% chi phí. Dù mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện nhưng thành quả nhận được khiến chị và các con thấy rất hạnh phúc.
Cả gia đình chị Hiền mất khoảng 3 ngày để hoàn thiện một bức phên trang trí như ý. Món đồ trang trí Tết này sẽ được chị tái sử dụng trong những mùa Tết tới.
Còn với chị Nguyễn Thị Thơm (Quận Hoàng Mai, Hà Nội), với đam mê nấu nướng, Tết năm nào chị cũng tự làm các món khô gà, kẹo nougat cùng các loại mứt. Bận rộn, luôn chân luôn tay, nhưng đây sẽ là những món quà biếu Tết ý nghĩa cho họ hàng nội ngoại của gia đình mùa Tết này.
Giải được bài toán chi tiêu tiết kiệm năm COVID thứ ba không dễ, nhưng tự làm các món đồ handmade cũng là một phương pháp hữu hiệu giúp mọi người tiết kiệm phần nào. Dù dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhưng mỗi gia đình đều cố gắng xoay sở để hướng về những giây phút ấm áp, bên nhau đón chào năm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!