Miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ đặc biệt lớn

Phương Trang, Nguyễn Hương, Hoài Nam, Đặng Huyền, Việt Nam, Tuấn Anh, Văn Nguyên-Thứ bảy, ngày 14/09/2024 20:42 GMT+7

VTV.vn - Miền Bắc vừa trải qua đợt mưa lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản.

Trong suốt gần một tuần qua, bão, mưa lớn và lũ lụt đã tràn qua các tỉnh thành, để lại hậu quả nặng nề chưa từng thấy trong những năm gần đây. Có đến 20/25 tỉnh, thành chìm trong biển nước gây thiệt hại nặng nề. Đặc biệt là con số thương vong về người rất lớn, tính đến 17h hôm nay (14/9), 352 người thiệt mạng và mất tích.

Cụ thể, trưa ngày 8/9, mực nước sông Hiến qua TP. Cao Bằng đã dâng cao, khiến hơn 800 hộ dân bị ngập lụt và nhiều hộ bị cô lập. 53 người thiệt mạng, 5 người mất tích trong vụ sạt lở tại 2 xã Ca Thành và Yên Lạc của huyện Nguyên Bình.

Mưa lũ cũng khiến 6 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai bị ngập lụt, 172 người thiệt mạng và mất tích do sạt lở, lũ quét. Nghiêm trọng nhất là vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên vào rạng sáng 10/9. Nước lũ kèm đất đá từ trên núi bất ngờ đổ ập xuống đã san phẳng 37 ngôi nhà khiến người dân không kịp trở tay. Hơn 600 người tham gia tìm kiếm, hơn 100 người thiệt mạng và mất tích.

Tỉnh Yên Bái cũng xảy ra hàng loạt vụ sạt lở làm 55 người thiệt mạng và mất tích. Trận lụt lịch sử ở TP. Yên Bái xảy ra ngày 8/9 khiến nhiều ngôi nhà nước dâng tới nóc. Người dân phải sơ tán, di chuyển tài sản trong đêm. Toàn bộ thành phố Yên Bái bị mất điện, hệ thống Internet và sóng điện thoại bị đứt, người dân bị mắc kẹt.

Nước ngập cũng bủa vây cả TP Thái Nguyên, TP Tuyên Quang. Hàng nghìn nhà dân chìm trong nước lũ. Có nơi ngập sâu gần 2 m. Mưa lớn kỷ lục làm mực lũ sông Lô qua TP Tuyên Quang lên trên mức báo động 3, hồ thủy điện Tuyên Quang phải mở toàn bộ 8 cửa xả đáy. 

Trong vòng một tuần qua, miền Bắc Việt Nam đã chứng kiến một hiện tượng thời tiết hết sức bất thường với sự kết hợp của bão, mưa lớn và lũ lụt lịch sử. Sự xuất hiện đồng thời của các yếu tố này là điều hiếm gặp và đáng lo ngại.

Tháng 9 vốn là giai đoạn cuối của mùa mưa ở miền Bắc, tuy nhiên, năm nay lại ghi nhận lượng mưa kỷ lục chưa từng có trong vòng 30 năm qua. Các chuyên gia khí tượng đánh giá tổ hợp siêu bão, mưa lớn và lũ kỷ lục cùng xảy ra trong thời điểm này có xác suất rất thấp. Chỉ trong 4 ngày từ 7-10/9, tổng lượng mưa trên toàn miền Bắc dao động từ 200-400mm. Đặc biệt, các khu vực như Sa Pa ở Lào Cai, Lục Yên ở Yên Bái, Định Hóa ở Thái Nguyên, và Sơn Động ở Bắc Giang đã ghi nhận lượng mưa trên 500mm, gấp 4-6 lần so với mức trung bình của các năm trước.

Mưa lớn diện rộng đã khiến hệ thống sông Hồng - Thái Bình dâng lũ lớn. Đỉnh điểm là vào ngày 9-10/9, các sông ở thượng nguồn sông Hồng như sông Thao, sông Lô, và các sông ở thượng nguồn sông Thái Bình như sông Lục Nam, sông Cầu, sông Thương đều vượt mức báo động 3. Đặc biệt, lũ trên đoạn sông Thao qua Lào Cai, Yên Bái và sông Cầu qua Thái Nguyên đã xô đổ kỷ lục cũ từ cách đây 60 năm.

Lũ tiếp tục dồn về hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình, làm mực nước tại hầu hết các trạm đều vượt mức báo động 3. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, vào rạng sáng ngày 12/9, mực nước lũ đã đạt đỉnh 11,3m, chỉ thấp hơn mức báo động 3 khoảng 20cm. Đây là mức lũ cao nhất trong vòng 20 năm qua ở Hà Nội, kể từ năm 2004.

Cuối năm, miền Trung đối mặt với mưa lũ dồn dập

Cuối năm 2024, miền Trung Việt Nam sẽ phải đối mặt với mưa lũ dồn dập, theo nhận định của các chuyên gia khí tượng. Từ nay đến tháng 11, khí quyển toàn cầu dự kiến sẽ chuyển sang trạng thái La Niña với xác suất 60-70%. Hiện tượng La Niña này sẽ làm tăng nhiệt độ vùng biển bên bờ Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông, dẫn đến hoạt động bão mạnh hơn mức trung bình hàng năm.

Dự báo có thể có hơn 6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hình thành trong thời gian tới, với hơn một nửa trong số đó có khả năng ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung. Cũng không loại trừ khả năng bão hoặc áp thấp nhiệt đới sẽ hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.

Sự gia tăng hoạt động bão đồng nghĩa với việc mùa mưa ở miền Trung năm nay có thể sẽ mưa nhiều hơn so với các năm trước. Cao điểm của mùa mưa dự kiến sẽ rơi vào tháng 10-11, khi tổng lượng mưa ở Trung Bộ có thể cao hơn từ 10-30% so với mức trung bình.

Lũ cũng sẽ xuất hiện trên các sông trong khu vực. Cụ thể, khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có thể chứng kiến lũ trên sông La, sông Mã và hạ lưu sông Cả ở mức báo động 1 đến báo động 2. Các sông từ Quảng Bình trở vào đến Bình Thuận và Tây Nguyên có thể lên đến mức báo động 2 đến báo động 3, với một số sông có khả năng vượt mức báo động 3. Đặc biệt, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có thể ghi nhận lưu lượng dòng chảy cao hơn 10-25%.

Người dân và các cơ quan chức năng cần chuẩn bị ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Mưa nhiều kéo theo nguy cơ sạt lở đất gia tăng ở nhiều khu vực miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là trong đợt mưa lũ vừa qua khi hàng trăm vụ sạt lở đã xảy ra khắp các vùng núi. Đặc biệt, hình ảnh chụp từ trên cao tại Mường Hum, Bát Xát, Lào Cai vào ngày 11/9 vừa qua cho thấy hàng trăm điểm sạt lở, tạo nên những vết cào lớn giữa núi rừng.

Kinh nghiệm tìm đất lập làng sau sạt lở

Sau vụ sạt lở kinh hoàng tại Trà Leng vào năm 2020, tìm đất lập làng chính là việc mà huyện Nam Trà My thực hiện ngay sau một tuần tìm kiếm và cứu trợ nạn nhân vụ sạt lở kinh hoàng tại Trà Leng . Các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên môi trường phối hợp với các xã, thôn tổ chức khảo sát, tìm kiếm các vị trí an toàn, khảo sát kĩ lưỡng nơi ở mới, giảm thiểu nguy cơ sạt lở ở mức tối đa.

Cán bộ và già làng tại Nam Trà My cùng nhau tìm đất ở, từ đó người dân đồng thuận và có tâm lý an cư lạc nghiệp lâu dài. Anh Hồ Văn Thế, một người dân tại thôn 3, xã Trà Tập, cho biết: "Chính quyền đưa bà con đi tìm đất lập làng và rất tôn trọng ý kiến của chúng tôi. Tôi cảm thấy rất hài lòng".

Sau 7 năm, huyện Nam Trà My đã trở thành điểm sáng trong công tác tái định cư cho đồng bào dân tộc miền núi với 64 khu tái định cư và gần 3.000 hộ dân được an cư. Đến nay, nơi ở mới của người dân chưa ghi nhận một vụ sạt lở nào, minh chứng cho sự hiệu quả trong công tác tìm kiếm và lập làng mới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước