Hiện tại, mây ẩm vẫn đang bao phủ hầu khắp khu vực này và gây mưa. Trong đó, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có nhiều nơi mưa rất to, hơn cả trăm mm nước mưa đã trút xuống. Thậm chí tại Hà Tĩnh, lượng mưa có điểm còn lên trên 300mm.
Hệ quả là nhiều tuyến đường tại thành phố Hà Tĩnh đã bị ngập sâu tới nửa mét. Một số phương tiện không thể di chuyển được, buộc phải dắt bộ.
Tại huyện Vũ Quang, mưa lớn còn khiến tuyến đường trục xã ở Quang Thọ bị sạt lở nghiêm trọng. Vị trí sạt lở có chiều dài hơn 30m, phần lề đường bị sạt trôi xuống sông Ngàn Sâu. Nguy cơ gây mất an toàn cho 7 hộ dân sinh sống ở khu vực này.
Nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh bị ngập sâu. Ảnh: Công Tường - TTXVN
Theo dự báo, đợt mưa lớn lần này sẽ còn kéo dài đến ngày 18/10, với cao điểm mưa dồn dập nhất là đêm 16/10 và ngày 17/10.
Trọng tâm mưa lớn nhất cảnh báo sẽ từ Hà Tĩnh tới Quảng Ngãi. Dự báo ở đây sẽ mưa thêm 200 - 450mm, có nơi trên 450mm.
Bình Định, Gia Lai và Kon Tum sẽ có mưa khoảng 100-200mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Theo đó, vùng núi thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi là khu vực có nguy cơ cao nhất xảy ra sạt lở đất, lũ quét do mưa lớn lần này. Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có nguy cơ cao. Bà con sinh sống ở sườn đồi dốc đứng, ven sông suối nhỏ cần hết sức cảnh giác với các dấu hiệu nứt lún, để kịp thời chạy thoát thân.
Nhiều diện tích lúa tại xã Cư Kbang, Đắk Lắk, bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Tuyến đường liên huyện Ea Súp đi huyện Ea Hleo bị ngập sâu khiến giao thông khó khăn. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Nhiều nhà dân ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp bị ngập do mưa lũ. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Bên cạnh đó, các địa phương đề phòng một đợt lũ sẽ lên trên các sông ở Hà Tĩnh tới Bình Định, Gia Lai và Kon Tum trong những ngày tới. Cảnh báo đỉnh lũ thượng nguồn các sông ở Hà Tĩnh, các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Bồ tại Thừa Thiên Huế sẽ lên cao nhất, ở mức báo động 2 đến trên báo động 3, còn lại sẽ quanh báo động 1 đến trên báo động 2.
Lũ ở miền Trung nguy hiểm ở chỗ thường chảy rất xiết với tốc độ lên rất nhanh. Chỉ khoảng 6 - 12 tiếng, mà có thể dâng cao từ 4-6 m. Vì phần lớn các sông ở đây đều hẹp, dốc và ngắn, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn và khoảng cách đổ ra đến biển chỉ hơn trăm km, khác hẳn với hệ thống sông ở miền Bắc thường rộng, lại có chiều dài từ vài trăm đến hơn nghìn km, khi mưa đổ xuống, nước ở thượng nguồn có thể mất từ một đến vài ngày để chảy về xuôi.
Trước diễn biến mưa lũ như vậy, một số hồ tại Nghệ An như Chi Khê, Nậm Pông, Khe Bố đã điều tiết xả nước, vận hành theo đúng quy trình để giảm mực nước về mức dung tích phòng lũ. Còn một số hồ lớn khác ở vùng tâm mưa như hồ Tả Trạch, Thừa Thiên Huế vẫn có khả năng đón lũ bởi dung tích nước trong hồ đang khoảng hơn 114 triệu m3, mới bằng 1/4 dung tích nước dâng bình thường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hiện tượng La Nina đang quay trở lại, không loại trừ khả năng mưa tại chỗ đột biến, bà con sinh sống ở ven sông và vùng hạ du vẫn nên chủ động chuẩn bị từ trước khi lũ lên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!