Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 23/09/2023 06:35 GMT+7

VTV.vn - Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và thu hồi bánh Trung thu nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại nhiều địa phương trên cả nước.

Liên tiếp phát hiện bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Còn đúng 1 tuần nữa là đến Tết Trung thu. Thị trường bánh Trung thu đang bước vào thời kỳ cao điểm. Trên thị trường hiện có hàng trăm chủng loại bánh Trung thu khác nhau, từ bình dân đến cao cấp.

Những ngày này, tại các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo và cả trên các nền tảng bán hàng trực tuyến, xuất hiện những loại bánh Trung thu "3 không": "Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng".

Trong khi đó, trong vòng 2 tuần trở lại đây, lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện, thu giữ các sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Đơn cử: 122.000 sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu đã bị lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện tại một địa điểm kinh doanh ở quận Bắc Từ Liêm. Chủ cửa hàng không có đăng ký kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa là gần 200 triệu đồng.

Còn tại Hưng Yên, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh đã phát hiện và tịch thu 21.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu. Số bánh này được phát hiện trên xe, đóng trong 300 thùng carton ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp lệ kèm theo tại thời điểm khám phương tiện.

Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu - Ảnh 1.
Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu - Ảnh 2.

Liên tiếp các vụ việc phát hiện bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường thời gian gần đây.

Tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu không nguồn gốc xuất xứ cũng đã bị phát hiện. Chỉ riêng hôm 21/9, tại Quận 12, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 8.000 bánh Trung thu trứng chảy không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sàn thương mại điện tử - mảnh đất màu mỡ của bánh Trung thu nhập lậu?

Đáng lo ngại, bánh nhập lậu không chỉ được bày bán phổ biến ở nhiều cửa hàng bánh kẹo, mà còn cả trên các sàn thương mại điện tử.

Và không giống mọi năm, bánh nướng, bánh dẻo năm nay đã đại hạ giá trên các sàn thương mại điện tử, từ trước Trung thu cả tháng. Nhiều sản phẩm đã giảm tới 50% từ đầu tháng.

Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… và những ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin còn rao bán các loại bánh Trung thu nhập từ nước ngoài. Những chiếc bánh được quảng cáo là hàng chất lượng cao những được bán với giá khá rẻ, chỉ bằng cốc trà đá, còn hạn dùng thì lên tới hàng tháng.

Ví dụ như bánh Trung thu mini - sản phẩm đang xuất hiện khá nhiều trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội. Điểm chung là màu sắc bắt mắt, được bán theo ký, với mức giá càng nhiều càng rẻ, tính ra chỉ khoảng từ 5 - 6 nghìn đồng/cái.

Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu - Ảnh 3.

Bánh Trung thu mini được rao bán phổ biến trên các trang thương mại điện tử.

Vẻ ngoài của những chiếc bánh này ở cả 2 mặt đều là chữ nước ngoài, không có 1 dòng chữ phụ bằng tiếng Việt nào, hạn sử dụng của 1 số bánh còn bị mờ, lem luốc. Thành phần bánh là gì? Sản xuất tại đâu? Điều gì đảm bảo sự an tâm cho người dùng, trừ những lời giới thiệu có cánh từ phía những người bán online?

Đây quả là vấn đề đáng ngại, và một loạt câu hỏi được đặt ra:

Bánh Trung thu chỉ có giá vài nghìn đồng, hạn sử dụng dài hàng tháng thì làm sao mà bảo đảm chất lượng được?

Bên cạnh đó, tiêu thụ hàng lậu bằng cách rao bán trên mạng xã hội rõ ràng cũng là 1 hình thức rất tinh vi. Bánh Trung thu rao bán trên các sàn thương mại điện tử, làm sao để kiểm soát chất lượng? Liệu có thể quy rõ trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử với hàng hóa để ngăn chặn bán hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng hay không?

Không là bánh lậu được rao bán nhiều trên mạng, mà trong đó có cả bánh nhà làm, rao bán trên trang cá nhân Facebook, Instagram, thậm chí Tiktok - nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng. Vậy phải kiểm soát nhóm sản phẩm này như thế nào cho hiệu quả?

Thực tế kiểm tra những năm trước đã phát hiện nhiều sản phẩm bánh Trung thu nhập lậu có thể để 3 - 4 tháng nhưng không có biểu hiện nấm mốc hay hư hỏng. Sau Trung thu, lực lượng chức năng có tiếp tục các đợt kiểm tra, thu hồi các loại bánh hết hạn sử dụng hay không? v.v...

Bánh Trung thu cổ truyền - chất lượng thực nằm ở đâu?

Nhiều năm nay, bánh Trung thu cổ truyền ngày càng ít ỏi giữa "ma trận"quầy bánh hiện đại mọc lên như nấm, với đủ vị độc lạ, đủ chủng loại, kiểu dáng, màu sắc.

Mẫu mã vỏ hộp bánh cũng là một cuộc "chạy đua" giữa các thương hiệu. Có những hộp bánh hàng triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là: Giá trị thực bánh Trung thu nằm ở chiếc bánh hay vỏ hộp bánh?

Phóng viên đã tiếp cận một set bánh trung thu có giá lên tới 6,8 triệu của một khách sạn 5 sao tại TP Hồ Chí Minh. Nhân bánh được ghi chú toàn là "sơn hào hải vị": Gà tiềm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi, thập cẩm bào ngư và hải sản... Còn vỏ hộp bánh là một chiếc hộp sơn mài tinh xảo.

Những hộp bánh Trung thu có giá vài triệu đồng giờ không hiếm. Song đẹp như vậy, có lẽ chỉ để đem tặng. Người được tặng thì yên tâm rằng bánh đắt tiền chắc là ngon. Còn thực tế trong bánh có các thành phần cao cấp ra sao và tỷ lệ là bao nhiêu thì chỉ nhà sản xuất mới biết.

Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu - Ảnh 4.
Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu - Ảnh 5.
Mối lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa Trung thu - Ảnh 6.

Ngày càng nhiều sản phẩm có hình thức vô cùng bắt mắt. Câu hỏi đặt ra là: Giá trị thực bánh Trung thu nằm ở chiếc bánh hay vỏ hộp bánh?

Từ đầu tháng 9 năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã liên tiếp tổ chức các đoàn thanh tra thực phẩm các bếp sản xuất bánh Trung thu tại khoảng 20 khách sạn từ 3 đến 5 sao. Tại một số khách sạn, đã phát hiện có loại gia vị, phẩm mầu đã hết hạn sử dụng, hoặc chưa đáp ứng được quy trình sản xuất một chiều, chưa có phân khu riêng sản xuất bánh Trung thu. Đoàn kiểm tra đã đề nghị khắc phục ngay những lỗi vi phạm, đồng thời tiêu hủy những sản phẩm đã hết hạn sử dụng và ghi rõ tên cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên nhãn mác.

Rõ ràng, người tiêu dùng không thể chỉ nhìn vào chiếc bánh Trung thu để nhận biết được độ an toàn; mà chỉ có thể đặt niềm tin vào nơi sản xuất và bánh có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Cùng trao đổi trong chương trình Vấn đề hôm nay về thực trạng này với ông Kiều Đình Cảnh - Đội trưởng đội 12, Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước