Một số thay đổi về lương hưu và tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016

Theo Cổng ĐT Chính phủ-Thứ sáu, ngày 17/04/2015 11:13 GMT+7

VTV.vn - Những thay đổi này được cử tri các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lâm Đồng, Thái Nguyên, TP. Hà Nội, TP.HCM đề nghị xem xét, điều chỉnh phù hợp.

Cử tri tỉnh An Giang cho rằng, theo đề  án về mức hưởng BHXH thì lương hưu sẽ giảm 20% là không hợp lý, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, điều chỉnh phù hợp.

Về tuổi nghỉ hưu, cử tri TP. Hà Nội, TP.HCM; các tỉnh Lâm Đồng, Thái Nguyên, Hải Dương đề nghị nghiên cứu để có quy định hợp lý, công bằng hơn theo hướng nam, nữ có cùng độ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi hoặc giữ nguyên quy định nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, đồng thời có chế độ đặc thù, hoặc quy định rõ đối tượng nghỉ hưu đối với nữ, đối với người làm tại các đoàn nghệ thuật.

Cử tri các tỉnh An Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Nam đề nghị quy định mức lương tối thiểu cần bảo đảm đủ để người lao động đóng BHXH trực tiếp từ tiền lương, không để doanh nghiệp đóng thay nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ đối tượng đóng BHXH tự nguyện, giải quyết chế độ tuất đối với thân nhân người lao động tương xứng với thời gian người lao động đã đóng BHXH trước đó.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri các tỉnh, thành phố như sau:

Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, theo đó các nội dung về cách tính mức lương hưu, tuổi nghỉ hưu, chế độ tử tuất, mức đóng BHXH, phương thức đóng BHXH, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện, đã được Quốc hội xem xét, quyết định.

Về cách tính mức lương hưu

Quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%, tiến tới người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 35 năm đối với nam thì đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.

Sửa đổi quy định giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi quy định từ 1% lên 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định.

Sửa đổi cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định theo hướng có lộ trình tiến tới tính bình quân toàn bộ thời gian đóng như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (bình quân của 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc của toàn bộ thời gian tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH).

Điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt của từng thời kỳ áp dụng cho mọi người lao động, không phân biệt người lao động thuộc khu vực Nhà nước hay ngoài Nhà nước.

Về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, vẫn giữ như quy định của Luật BHXH năm 2006 và Bộ luật Lao động năm 2012, cụ thể 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Riêng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ.

Điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu, Luật BHXH năm 2014 giữ nguyên quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu đối với các đối tượng nói chung là phải đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên. Riêng đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở cấp xã khi nghỉ việc chỉ cần có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm và đủ 55 tuổi thì cũng được hưởng lương hưu.

Về chế độ tử tuất

Ngoài trợ cấp mai táng, thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần.

Luật BHXH sửa đổi bổ sung quy định cho phép thân nhân người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần (trừ một số trường hợp như con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên), đồng thời tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi (hiện hành là 1,5 tháng).

Như vậy, với quy định trên thì khoản trợ cấp tuất một lần hoặc hàng tháng đối với thân nhân của người lao động đã được tính toán bổ sung nhằm đảm bảo tương xứng với thời gian người lao động trước đó đã đóng BHXH.

Về mức đóng và phương thức đóng BHXH bắt buộc

Luật BHXH sửa đổi vẫn giữ quy định về tỷ lệ đóng góp và phương thức đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo tính cân đối giữa đóng và hưởng BHXH.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, Luật BHXH sửa đổi có quy định bổ sung về chế độ cung cấp thông tin việc tham gia BHXH đến người lao động thông qua quy định về quyền của người lao động được cấp và quản lý sổ BHXH của mình, được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH; định kỳ 6 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng BHXH; định kỳ hàng năm được cơ quan BHXH xác nhận về việc đóng BHXH, thông qua đó để người lao động tự theo dõi quá trình tham gia BHXH của người sử dụng lao động đối với mình, chủ động trong việc phản ánh với các cơ quan chức năng trong trường hợp quyền lợi BHXH bị xâm phạm.

Để giúp cơ quan BHXH tăng cường công tác quản lý đối tượng, Luật BHXH sửa đổi quy định quyền của cơ quan BHXH được cơ quan đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy chứng nhận hoạt động hoặc giấy phép hoạt động gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận hoạt động hoặc quyết định thành lập để thực hiện đăng ký lao động tham gia BHXH; định kỳ 6 tháng được cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương cung cấp thông tin về tình hình sử dụng và thay đổi lao động trên địa bàn, được cơ quan thuế cung cấp mã số thuế của người sử dụng lao động; định kỳ hằng năm cung cấp thông tin về chi phí tiền lương để tính thuế của người sử dụng lao động; cơ quan BHXH được trao quyền thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH...

Về chính sách BHXH tự nguyện

Luật BHXH sửa đổi quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo hướng không khống chế tuổi trần tham gia. Theo đó, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc nếu có nguyện vọng thì được tham gia BHXH tự nguyện và khi đủ điều kiện thì được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Như vậy, những người nông dân khi tham gia BHXH tự nguyện, đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH thì cũng sẽ  được hưởng chế độ hưu trí như đối với công chức, viên chức và người lao động khác.

Đồng thời, Luật BHXH sửa đổi quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Như vậy, mức hỗ trợ cụ thể sẽ được Chính phủ xem xét, quyết định trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.

Về công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH để tránh thất thoát, Luật BHXH sửa đổi bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, UBND các cấp trong thực hiện quản lý Nhà nước về BHXH; Bổ sung Thanh tra tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính BHXH; Bổ sung cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT; Bổ sung quyền của tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động; Bổ sung thêm quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Như vậy, với những quy định sửa đổi, bổ sung nêu trên tại Luật BHXH năm 2014, các chế độ, chính sách BHXH được hoàn thiện trên và về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo cử tri và người lao động khi tham gia, đóng góp ý kiến vào dự án Luật BHXH sửa đổi.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước