Cửa sinh là cửa tử
Nhìn cháu lớn lên từng ngày, đôi khi, bà Nguyễn Thị Kim Quý (tỉnh Phú Thọ) vẫn cứ ngỡ là mơ. Bà vẫn nhớ như in thời điểm con gái mới mang thai đến tuần thứ 25, chỉ 1 dấu hiệu đau bụng, nhập viện thăm khám, mẹ và bé đã rơi vào tình trạng nguy kịch.
"Cháu tự nhiên đau bụng, em đưa cháu đi khám, bác sĩ theo dõi, cạn hết ối, tư vấn chuyển tuyến. Xuống Hà Nội thì thăm khám, người ta chỉ định là cạn ối không rõ nguyên nhân, đình chỉ thai. Lúc đó thì buồn lăm, về cả nhà không ăn không uống" - bà Quý cho hay.
Bằng linh cảm của một người mẹ, chị Trần Thị Vân Anh quyết tâm giữ con. Dù đã cạn hết ối, tiên lượng xấu, được chỉ định đình chỉ thai nhưng cả gia đình vẫn tiếp tục đến bệnh viện thứ 3, tìm thêm hy vọng.
Nắm lấy một chút cơ hội dù nhỏ để được đón con chào đời, người mẹ trẻ chấp nhận đối mặt với vô vàn rủi ro trong suốt hơn 1 tháng giữ thai trong tình trạng hết ối.
BS CKI Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc TT Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết: "Phải huy động tất cả khoa phòng để cứu mẹ, cứu con". PGS TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - cũng cho hay: "Thực sự nếu không theo dõi sát sao thì có thể mất cả mẹ cả con".
Hạnh phúc trong phút giây nghe tiếng con khóc chào đời - chẳng thể được đo đếm bằng những tháng ngày mẹ đối mặt với rủi ro. Thế nhưng, đâu chỉ là rủi ro, có những hy sinh mà chính người mẹ đã lựa chọn để con được thấy ánh sáng của cuộc đời dẫu cuộc đời ấy sẽ là vắng mẹ.
Tiếng khóc của em – cậu bé chưa đầy tháng, trong căn nhà, xuân này vơi nụ cười – bởi nỗi đau, em sẽ chẳng một lần được nghe câu ru hời từ mẹ. Những ngày cuối của chín tháng mang nặng, cơn đau đầu tưởng như thường lệ, lại là dấu hiệu bạo bệnh ập đến. Để rồi, mẹ phải xa em, chưa một lần gặp mặt, chưa một cái ôm…
Cửa sinh là cửa tử. Mới hơn 20 tuổi và lần đầu làm mẹ, hẳn mẹ em đã có nhiều lo lắng cùng sợ hãi. Nhưng, giữa thời khắc sinh tử, mẹ dặn bố cứu em và chọn bước vào cửa tử để giờ đây, thương mẹ thì lại xót em.
Nay, bố vừa là cha, lại vừa làm mẹ. Có con chưa tròn tháng, bố vẫn lóng ngóng. Bình sữa pha vội lúc đêm em đói, câu ru vắng nhịp lúc em khóc đòi hơi mẹ. Có đêm, bóng bố - bóng em tìm bóng mẹ!
"Con khóc sợ lắm. Bế đi dạo thôi. Chỉ biết cầu mong cho nó đừng khóc nữa. Không biết làm gì nữa cả" - anh Phan Văn Nam, Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh nói.
Đêm lạnh, nhà vắng, cuộc trò chuyện ít lời, lặng tiếng nhưng ấm tình. Cái tiếc thương người mẹ trẻ phận đời ngắn ngủi nay được họ hàng, làng xóm dồn cả cho em trong những tiếng ầu ơ.
Em được gọi là Thóc – hạt thóc nhỏ của bà và của bố. Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi. Mẹ qua đời nhưng em sẽ lớn lên, không chỉ bằng tình yêu của bố, tình thương của bà mà còn bằng cái đùm bọc của tình làng, nghĩa xóm – như nhiều em nhỏ khác trên mảnh đất Việt được sinh ra trong năm vừa qua – năm của đau thương và sức mạnh.
Là gà một mẹ, là hoa một cành
Sinh con giữa mùa lũ, không rủ nhau mà những người mẹ miền Trung yêu thương đặt cho con những cái tên nhắc nhớ: Này là Lụt rồi Tý Lụt hay cả Ca nô. Các em ở Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Quảng Trị. Những em bé miền Trung đã được sinh ra như thế. Cùng với tình mẹ chở che còn có sự bao bọc yêu thương của cộng đồng, xã hội.
Chưa từng được tập huấn về nghiệp vụ hỗ trợ sản phụ, nhưng mùa lũ vừa qua, Trung úy Nguyễn Thái Sơn, Công an huyện Quảng Trạch, Quảng Bình luôn sẵn sàng cho tình huống phải đỡ đẻ bất kỳ lúc nào. Còn Đại tá Phan Thanh Sơn, Trưởng Công an huyện Quảng Trạch, Quảng Bình trong lúc cấp bách đã trực tiếp lái xe đưa 3 sản phụ đến bệnh viện. Quãng đường thường ngày ngắn ngủi mà khi mưa lũ lại dài rộng vô cùng.
Chỉ trong vòng 10 ngày, người dân Quảng Bình đã phải gồng mình chống chọi với 3 đợt lũ lụt lớn. Nhưng cũng trong 10 ngày ấy, Công an Quảng Bình đã "xẻ" nước lũ, đưa rất nhiều sản phụ đến bệnh viện an toàn.
Những em bé sinh ra trong mùa lũ. Niềm hạnh phúc không chỉ ấm áp trong mỗi nếp nhà mà còn sáng tươi khắp cả miền quê gian khó. Nơi mà năm này nối qua năm khác, mọi người nắm tay nhau kiên cường vượt qua thiên tai địch họa với niềm tin yêu: chúng ta đều LÀ GÀ MỘT MẸ, LÀ HOA MỘT CÀNH.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!