Dự kiến, quý I/2025, Hà Nội tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm. Ảnh: VGP
Thành phố sẽ thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động tại Hà Nội với thị trường cả nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà thông tin, để đạt được chỉ tiêu trên, thành phố sẽ hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động (đẩy mạnh chính sách về bảo hiểm xã hội và phát triển thị trường lao động). Đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm; tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội...
Dự kiến, quý I/2025, Hà Nội tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 13.600 lao động; 600 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Quý II/2025, thành phố tổ chức 67 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 18.800 lao động; 1.300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Quý III/2025, tổ chức 67 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 9.900 lao động; 1.400 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Quý IV/2025, tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm; tạo việc làm cho 8.300 lao động; 1.300 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động. Đồng thời, chủ trì triển khai Đề án "Phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025".
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên giao dịch việc làm; khảo sát, thu thập thông tin thị trường lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, việc làm và dạy nghề của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời xây dựng Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích dự báo thị trường lao động; tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch. Trung tâm phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND thành phố thực hiện chính sách tạo việc làm cho người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương.
Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người lao động làm trung tâm phục vụ nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, năm 2024, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, dự kiến 23/24 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tình hình lao động, việc làm và quan hệ lao động trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực.
Ước tính năm 2024, thành phố tạo việc làm mới cho 225.000 lao động, đạt 136,3% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc là trên 2,1 triệu người, tăng 4,5% so với năm 2023; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 107.000 người, tăng 21,2% so với năm 2023. Số lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp là 70.353 trường hợp, số tiền hỗ trợ 2.171 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tình hình quan hệ lao động ổn định, không xảy ra ngừng việc tập thể…
Tuy nhiên, năm 2024, Hà Nội phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức; số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ; 3.876 doanh nghiệp giải thể (tăng 28%), 21.464 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 19%), 4.801 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 27,1%)... Một bộ phận công nhân, viên chức, lao động còn băn khoăn, lo lắng trước tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp. Tội phạm sử dụng công nghệ cao nhắm vào người lao động trở nên phổ biến với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ngoài ra, biến động giá thị trường đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống công nhân, viên chức, lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!