Đã có nhiều vụ vỡ hụi xảy ra trên cả nước nhưng vẫn không ngăn cản được việc nhiều người dân liên tục tham gia vào hình thức này bởi họ quá tin tưởng vào chủ hụi. Nhất là những người có quan hệ họ hàng hay láng giềng. Ai cũng nghĩ mình nắm chắc đối phương trong lòng bàn tay. Chỉ đến khi người đi, tiền mất, thì mọi người mới nhận ra, người mà mình vốn rất hiểu hóa ra lại chẳng hiểu gì.
Thực tế quá trình điều tra, xác minh tội phạm trong các vụ vỡ hụi gặp rất nhiều khó khăn do việc chơi hụi dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. Mặt khác, không giống như các loại hình cho vay, hay gửi tiết kiệm khác, chủ hụi không cần tài sản đảm bảo. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến cho người tham gia khó lấy lại được tài sản của mình khi hụi vỡ.
Người chơi gian nan đòi quyền lợi khi vỡ hụi
"Hụi họ dựa trên niềm tin, cơ chế tự kiểm soát. Thường người kiểm soát và điều hành là chủ họ. Nhưng nếu có đông người tham gia thì cơ chế này bộc lộ hạn chế nhất là đối với người tham gia thiếu sự cảnh giác". Sau khi 3 dây hụi ở địa phương đứng trước nguy cơ bị vỡ, UBND xã Hoằng Phong đã liên tục đưa nội dung cảnh báo lên loa phát thanh.
Theo quy định của pháp luật, từ năm 2019, chủ hụi lập 2 dây hụi trở lên với giá trị từ 100 triệu đồng sẽ phải khai báo với chính quyền địa phương. Dây hụi của bà Dung dù lên tới hơn cả chục tỷ đồng, hoạt động suốt 17 năm, nhưng vẫn không khai báo.
Mỗi xã thường có đến chục dây hụi cùng hoạt động. Thành viên toàn người trong khu phố, nên việc nắm bắt thông tin không khó khăn gì. Để biết chủ hụi hoạt động như thế nào, điều hành đường dây ra sao mới khó bởi ngay người tham gia còn không nắm được.
- Thu tháng nào thì bà ghi tháng đó thôi. Cũng không nói bao nhiêu người chơi. Bà ý bảo chơi họ thì chỉ biết theo bà ý mà lấy tiền thôi.
- Tôi hỏi là có danh sách các người chơi không thì bả bảo là không có đâu chị ơi, vì những người này họ ở xa lắm.
Những vụ vỡ hụi mới xảy ra gần đây ở Thanh Hóa và Hải Phòng đều có quy mô lớn, mà chủ hụi đã có thâm niên hoạt động gần hai chục năm. Những tưởng thời gian tạo nên uy tín nhưng không phải.
Trung tá Lê Anh Phương, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hải Phòng cho biết: "Đối tượng này không tổ chức chơi họ mà chiếm đoạt tiền của người dân. Ngoài việc chi tiêu cá nhân, đối tượng này còn sử dụng tiền này để quay vòng tiền. Khi quay vòng rồi cứ giật gấu vá vai đến lúc mà không còn khả năng giật gấu vá vai nữa thì vỡ nợ".
15 tỷ đồng chiếm đoạt được sử dụng vào việc trả nợ và chi tiêu cá nhân nên khi bị bắt, chủ hụi chỉ còn hơn 7 triệu đồng. Chủ hụi tiêu hết tiền nên đa số các bị hại trong vụ vỡ hụi tại quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng đều chưa được bồi thường. Nếu có cũng không đáng kể. Trong danh sách nạn nhân, có người dù bị chiếm đoạt gần 1,5 tỷ nhưng mới chỉ nhận được 2 triệu đồng.
Căn nhà, tài sản lớn nhất mà chủ hụi có, lại đã được tẩu tán ngay sau khi chủ hụi bỏ trốn. Trong hầu hết các vụ vỡ hụi, vấn đề hoàn trả lại tiền cho người chơi luôn rất nan giải.
Theo quy định của pháp luật, chủ hụi không cần tài sản thế chấp nên khi vỡ hụi, đa phần họ đều không còn gì để trả cho người chơi. Để lấy lại tiền, hường sẽ phải khởi kiện ra tòa án do đây là hành vi dân sự nhưng đa phần người dân lại không muốn chọn cách này.
Cơ ngơi khang trang của chủ hụi khiến ai nhìn vào cũng yên tâm là mình đang bám kẻ có tóc. Thế nhưng căn biệt thự giờ có bán đi thì cũng chẳng được mấy tiền vì nó đã được chủ hụi thế chấp, để vay ngân hàng.
Chơi hụi không sai. Cái sai chỉ đến khi chủ hụi hoặc người góp hụi phá luật. Vỡ hụi là thứ không ai mong muốn, nhưng là điều mà người chơi có thể phòng tránh. Ít nhất là dựa vào các quy định của pháp luật. Đa phần người chơi hụi đều là người cao tuổi, nhưng số tiền chơi thường có thêm khoản tích cóp của con cháu. Do vậy, chỉ cần một chút tìm hiểu, rồi con cái thông tin cho bố mẹ, các cháu thông tin cho ông bà thì chúng ta sẽ phòng tránh được rất nhiều rủi ro khi chơi hụi.
Quy định của pháp luật rất rõ ràng: Người chơi phải nắm được các thông tin cơ bản về nhân thân của chủ hụi, cũng như các thông tin cơ bản về nhân thân của người tham gia dây hụi. Số tiền theo thỏa thuận mà thành viên phải góp trong mỗi kỳ mở hụi. Thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi, thể thức góp hụi, lĩnh hụi. Còn nếu phát hiện chủ hụi phớt lờ, hoặc thiếu trung thực về một trong các nội dung này thì tốt nhất mọi người không nên tham gia.
Hệ lụy từ những vụ vỡ hụi
Liên tiếp nhiều vụ vỡ hụi gây xôn xao làng quê yên bình. Những ông bà già vốn ở cái tuổi gần đất xa trời, thay vì sống nốt cuộc đời an yên, lại trĩu nặng nỗi hổ thẹn và cả sự xót xa.
"Có mấy đồng bạc lương chỉ tiêu lấy thuốc còn đâu góp vào trong họ. Đúng là không dám mua thức ăn. Khổ lắm. Cảnh nhà ông bà vất vả".
"Bà hơn 500 triệu mà bà ung thư đại tràng, chân tay đều đen hết thế này đây. Bà ung thư đại tràng mà giờ không còn đồng mô chữa bệnh".
Những cuộc cãi vã trong làng xóm xảy ra và cả sự yên ấm trong mỗi gia đình cũng dần bị phá vỡ.
Hơn 200 triệu tích cóp để sửa sang lại căn nhà dột nát được dốc hết vào dây hụi. Số tiền gom góp cả đời vốn mang bao dự tính giờ cũng tiêu tan. "Định sửa nhà định lấy vợ cho con cái mà giờ chán chả buồn tính", một người dân nói.
Giấu gia đình để bỏ tiền tích cóp vào dây hụi nên khi chủ hụi biến mất, người phụ nữ đã bị chồng trút giận bằng cả sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Vết tích của mâu thuẫn sau bao năm vẫn còn. Chỉ có tiền bạc của người dân là lặn mất tăm.
"Ông ý cầm cả ấm siêu tốc nước đang sôi ông trút lên đầu tôi".
Hệ lụy từ những vụ vỡ hụi không chỉ là mất tiền mà còn là mất đi hạnh phúc và cuộc đời bình yên của người dân. Nỗi uất ức khó nói thành lời. Và có người còn không kịp nói. Vì tuổi cao lại thêm cú sốc lớn, có những người chơi đã mất trước cả khi chủ hụi bị đưa ra xét xử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!