Nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước

PV-Thứ năm, ngày 24/12/2020 14:13 GMT+7

Chăm sóc trẻ sơ sinh. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Hội thảo nhân ngày Dân số Việt Nam 26/12 và Tháng hành động Quốc gia về Dân số vừa khai mạc sáng nay (24/12) tại Hà Nội.

Chủ đề của hội thảo là "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Quy mô dân số hiện nay khoảng gần 96,5 triệu người (2019), Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, tỉ lệ tăng dân số 10 năm qua (2009-2019) trong khoảng từ 1,05% – 1,15%/năm, mức sinh thay thế được duy trì suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%.

Nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với các quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương và đất nước.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ dân số và kế hoạch hóa gia đình được mở rộng, chất lượng ngày càng cao…

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng chỉ ra các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số như sau:

- Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; thậm chí có những nơi mức sinh đã xuống thấp như một số tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên mức sinh còn rất cao.

- Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng.

- Lợi thế của dân số vàng chưa thực sự được khai thác và phát huy hiệu quả do chưa có giải pháp đồng bộ.

- Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp thích ứng chủ động với già hóa dân số.

- Chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao, vai trò nhà trường vẫn còn hạn chế.

- Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Chưa nhiều chính sách tác động đến các lĩnh vực khác như kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số, tận dụng lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.

- Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp.

- Các nội dung về dân số trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Các yếu tố dân số chưa được lồng ghép một cách hệ thống trong hoạch định, thực thi các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.

- Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.

Nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước - Ảnh 3.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tặng lẵng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12

Với ý nghĩa của Tháng hành động Quốc gia về Dân số, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị trong toàn ngành, bám sát chủ đề của Tháng hành động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về công tác dân số và phát triển.

Cũng nhân dịp này, Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời để công tác dân số triển khai đạt mục tiêu các nội dung mới; trân trọng đề nghị các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 21của BCH TW đã đề ra.

Năm 2050, Việt Nam có 22,3 triệu người già, chiếm 1/5 dân số Năm 2050, Việt Nam có 22,3 triệu người già, chiếm 1/5 dân số

VTV.vn - Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn "già hóa" từ năm 2011. Hiện nay, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước