Ngay tại nhiều trường mầm non, trẻ nhỏ sẽ được học để phân biết các loại thực phẩm, nhận biết thực phẩm an toàn, từ đó hình thành thói quen tốt trong việc lựa chọn tại phẩm. Ghi nhận tại một trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội, "An toàn vệ sinh thực phẩm" trở thành một chủ điểm trong hoạt động dạy và học. Tuỳ từng độ tuổi, nội dung giảng dạy sẽ được nhà trường chọn lọc, xây dựng bài giảng thông qua các hoạt động phù hợp.
Trẻ tạo hình bức tranh từ rau củ quả
Tại lớp học với trẻ từ 1 – 3 tuổi, cô giáo Phạm Thanh Huyền đã lần lượt giới thiệu từng loại rau xanh, củ quả. Sau đó, các con sẽ tham gia hoạt động tạo hình từ màu nước và rau củ quả.
Cô Huyền cho biết, thông qua các hoạt động sáng tạo cùng rau củ quả và màu nước, bạn nhỏ nào cũng hứng thú hoàn thành bức tranh của mình. Từ đó, các con cũng dần nhận biết từng loại rau củ quả.
Không chỉ làm quen kiến thức về thực phẩm thông qua các bài học trên lớp, các bạn nhỏ còn được trải nghiệm thực tế các hoạt động trong nhà bếp để hiểu hơn về vấn đề an toàn thực phẩm. Cô Huyền chia sẻ, các bạn học sinh ở lứa tuổi lớn hơn từ 4 – 5 tuổi sẽ được tham gia quan sát một phần tại khu vực nhà bếp ví dụ như khu vực giao nhận thực phẩm, sơ chế thực phẩm, …
Bà Hoàng Thị Tuyên, Hiệu trưởng nhà trường cũng rất kỳ vọng với chủ điểm An toàn vệ sinh thực phẩm, trẻ ở lứa tuổi nhỏ có thể phân biệt được các nhóm thực phẩm gần gũi với bữa cơm hàng ngày, trẻ lớn hơn sẽ từng bước nhận biết được thực phẩm như thế nào là an toàn. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành thói quen tốt về dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.
Giáo dục trẻ nhận biết thực phẩm an toàn
Theo PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc hình thành thói quen tốt trong ăn uống ở trẻ không chỉ hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm mà còn giúp trẻ hiểu hơn về các nhóm thực phẩm các con ăn mỗi ngày. Đây là tiền đề quan trọng giúp các bạn nhỏ có thể cân đối khẩu phần ăn, lựa chọn các nhóm thực phẩm phù hợp với thể trạng, tốt cho sức khoẻ về lâu dài.Ngay trong gia đình, cha mẹ cũng có thể nâng cao nhận thức của trẻ về thực phẩm an toàn bằng những hoạt động rất đơn giản như: Cùng con vào bếp để nhận biết thực phẩm sẽ có trong bữa ăn hàng ngày; Chỉ cho con những dấu hiệu bất thường về thực phẩm mất an toàn; Chia sẻ về những nhóm thực phẩm luôn được ưu tiên trong khẩu phần ăn. Và quan trọng, cha mẹ cần gương mẫu với thói quen ăn uống khoa học.
Điều này sẽ giúp các bạn nhỏ nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn từ đó hình thành ý thức khi lựa chọn thực phẩm cho mình.
PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng chia sẻ những nội dung quan trọng gia đình và nhà trường có thể chú trọng, giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Thứ nhất, giáo dục trẻ từ thói quen ăn uống và vệ sinh sạch sẽ
Đơn giản từ việc thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi, không uống nước lã, …
Thứ hai, giáo dục trẻ về thực phẩm sạch
Hướng dẫn trẻ nhận biết thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Tại nhà trường hay gia đình, người lớn có thể dạy trẻ cách rửa sạch rau củ quả trước khi sơ chế chế biến.
Thứ ba, hình thành thói quen ăn uống khoa học
Bên cạnh sự định hướng của nhà trường, gia đình cũng cần chủ động xây dựng khẩu phần ăn khoa học, ưu tiên các món ăn luộc, hấp tốt cho sức khoẻ, hạn chế tối đa thực phẩm chiên rán, thức ăn nhanh, đồ ngọt…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!