Phân loại rác tại nguồn - từ ý thức đến hành động
Từ 1/1/2025, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải làm từ thời điểm này. Từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu, bao gồm đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.
Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn sẽ là một bài toán khó… Bởi thực tế, đã có những địa phương, việc phân loại rác dù đưa vào thực hiện hơn 5 năm qua - nhưng vẫn chưa thể hình thành tính chủ động của người dân…
Giảm thiểu lượng rác thải khi phân loại rác tại nguồn
Theo số liệu của tỉnh Lào Cai, tỷ lệ phân loại rác bình quân tại các địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn của tỉnh này, bao gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, bình quân đạt 75 - 95%.
Còn theo đại diện UBND huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, tỷ lệ các gia đình tự nguyện phân loại rác đạt 30 - 45%... Mặc dù tỷ lệ này còn thấp tuy nhiên cũng đã giảm phần nào lượng rác hữu cơ phải xử lí ở một địa phương nông thôn. Và lượng lượng rác này được phân loại sẽ xử lí trở thành phân bón ngay tại gia đình có ruộng vườn…
Phân loại rác tại nguồn - không chỉ cho môi trường
Giảm áp lực về chi phí vận hành các bãi chôn lấp, xử lí rác; giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường từ rác thải… Việc phân loại rác thải còn là cách để tận dụng, tái chế và thêm vòng đời mới cho các nguồn nguyên liệu có thể tái sử dụng trong rác…
Và tất nhiên, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường, đem lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra những giá trị xã hội trong việc kết nối cộng đồng từ chính những hoạt động xã hội ý nghĩa…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!