Ngày mai, 15 tháng 7 âm lịch, Rằm tháng Bảy, được coi là Ngày xá tội vong nhân và là ngày lễ chính trong mùa Vu Lan. Theo truyền thuyết Phật giáo, Vu Lan bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên đại hiếu, người đã cứu mẹ thoát khỏi nạn ngã quỷ. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con và lòng biết ơn.
Mỗi mùa Vu Lan, gia đình chị Diệu Hòa, TP Bắc Ninh, vẫn giữ thói quen cùng nhau đến chùa, thực hành nghi lễ Phật giáo truyền thống. Chị cùng các con không chỉ tham dự lễ mà còn nghe giảng về ý nghĩa sâu sắc của ngày Rằm Tháng Bảy, là dịp để báo hiếu và tri ân đấng sinh thành, ông bà tổ tiên.
Bà Diệu Hương, 90 tuổi, dù sức khỏe yếu vẫn đến chùa dự lễ Vu Lan. Bà cài bông hoa trắng lên áo, tưởng nhớ và tri ân đấng sinh thành đã quá vãng. Bà xúc động khi nghe những lời giảng về bổn phận làm con, thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn.
Thượng tọa Thích Thanh Sơn, Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, chia sẻ: "Dù cho trọn kiếp nhân sinh, chẳng đền đáp nổi ân tình mẹ cha". Dịp Vu Lan cũng là thời điểm nhiều gia đình làm lễ trang nghiêm tại nhà, truyền dạy gốc hiếu hạnh cho thế hệ trẻ, giữ gìn truyền thống báo hiếu và tri ân tổ tiên.
Ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn hướng mỗi người về cội nguồn dân tộc, về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tín ngưỡng thờ tổ tiên của người dân Việt, mang đậm nét nhân văn và đạo lý đền ơn đáp nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!