Trong suốt 10 năm qua, tội phạm mạo danh các cơ quan chức năng như Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đã gây ra nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Nhiều người đã sập bẫy, mất từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Tại họp báo thông báo tình hình công tác Công an quý III, Bộ Công an đã chỉ ra rằng loại hình tội phạm này đang có xu hướng biến đổi nhanh chóng, với những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường mạo danh cán bộ công an cấp phường, xã yêu cầu người dân cập nhật thông tin qua ứng dụng VNeID hoặc giả danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu tải ứng dụng ngân hàng giả mạo. Họ còn lừa nạn nhân cài đặt các ứng dụng chứa mã độc trên thiết bị của họ.
Hiện Bộ Công an kiến nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ sở pháp lý, không để tồn tại các sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng. Phối hợp với ngân hàng nhà nước các đơn vị chức năng ngăn chặn, xử lý dòng tiền của các đối tượng lừa đảo. Phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc xác thực, định danh đối với các tài khoản, thuê bao trên các lĩnh vực thông tin, viễn thông… tiến tới định danh toàn bộ hệ thống truy cập Internet, góp phần xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Meta, Google, Amazon, và Apple để triển khai các biện pháp sàng lọc, xác thực thông tin, nhằm xóa bỏ các trang web và ứng dụng giả mạo. Bộ Công an cũng sẽ đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực phòng chống tội phạm công nghệ cao cho lực lượng công an tại các địa phương.
Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Công an thông tin về diễn biến vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh và các địa phương liên quan, 4 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, dự án Sài Gòn - Đại Ninh và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đây đều là các vụ án lớn, phức tạp, trong đó có nhiều vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!