Ngành y tế vượt khó trước những vấn đề chưa có tiền lệ

Thùy Dương-Thứ hai, ngày 05/02/2024 17:50 GMT+7

VTV.vn - Cùng nhìn lại 2023 - một năm đầy khó khăn và thách thức với ngành y tế với nhiều vấn đề phát sinh chưa từng có tiền lệ.

Bệnh viện "khát" vật tư y tế, thuốc

2023 là một năm ngành y tế Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn chồng chất khi "cơn bão" COVID-19 đã càn quét, khiến nhân lực, vật lực tiêu hao. Nhiều vấn đề mới, chưa có tiền lệ nay phát sinh cũng khiến toàn ngành phải tập trung cao độ để tìm các giải pháp. Trong đó phải kể đến vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư… tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh.

Tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực y tế

Vấn đề về đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế đang dần được tháo gỡ nhờ Luật đấu thầu 22/2023/QH15 được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực từ 01/01/2024. Trong đó, các cơ sở y tế công lập sẽ được tự quyết định việc mua thuốc ngoài danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, tự quyết định các nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm… Ngoài ra, các quy trình, thủ tục đấu thầu có những cải tiến theo cách đơn giản hóa, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng, tăng cường tính minh bạch và công khai. Thực tế, trong những tháng cuối năm, những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viên Bạch Mai đã tháo gỡ được ngay những khó khăn trên bằng việc trúng nhiều gói thầu và mua sắm khoảng gần 4.000 tỷ đồng bao gồm trang thiết bị, vật tư (hơn 1.700 tỷ đồng), thuốc (hơn 2.000 tỷ đồng) phục vụ cho công tác điều trị.

Bên cạnh đó, giờ đây, các bậc phụ huynh đã có thể hoàn toàn yên tâm bởi sẽ khó lặp lại tình trạng thiếu vaccine như trong năm vừa qua. Trước mắt, Viện Vệ sinh Dịch tế Trung ương đã hoàn thiện đặt hàng 10 loại vaccine sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, và chuyển đến các địa phương ngay trong đầu năm nay để khẩn trương tiêm bù mũi cho những trẻ còn thiếu.

Một thông tư nữa dự kiến ban hành trong năm 2024 sẽ giúp ích cho người bệnh có thẻ BHYT trong việc thanh toán khi mua thuốc ngoài bệnh viện. Theo dự thảo, người bệnh được chẩn đoán, kê đơn, chỉ định thuốc, vật tư y tế nhưng không sẵn có tại cơ sở khám chữa bệnh, phải tự mua bên ngoài sẽ được BHYT thanh toán trong khoảng 40 ngày nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, vẫn cần thời gian để có những cơ chế và quy định rõ ràng trong việc chi trả này. Nhưng đó vẫn là những tín hiệu khả quan cho các bệnh nhân.

Vấn nạn bác sĩ "dởm"

Bên cạnh cơn "khát" vật tư, thuốc tại các cơ sở y tế thì năm 2023 có lẽ phải nhắc đến vấn nạn bác sĩ "dởm" gây nhức nhối. Hàng loạt bác sĩ online "bắt mạch, kê đơn" qua mạng; bác sĩ tại phòng khám tư vẽ bệnh moi tiền hay thậm chí có cả lò đào tạo bác sĩ cấp tốc… Vì lợi nhuận mà những người tự xưng là bác sĩ đã bất chấp lên sức khỏe, tính mạng của người bệnh để trục lợi.

Bệnh viện chuyển đổi số

Câu chuyện là làm thế nào để người bệnh hướng đến sự hài lòng, thu hút bệnh nhân đến với các cơ sở y tế? Chẳng còn cách nào khác ngoài việc thay đổi toàn diện.

Theo báo cáo kết quả công tác khám, chữa bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong 11 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt khám, chữa bệnh toàn ngành đạt hơn 8 triệu, tăng 14,9 % so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ là hơn 7 triệu lượt); 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT điện tử (VSSID); lắp đặt các thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp để dần sử dụng thay thế cho thẻ bảo hiểm y tế hay ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị… Các bệnh viện đang từng bước nỗ lực "giữ chân" người bệnh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước