Ngày 8/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 07/10/2021 20:55 GMT+7

VTV.vn - Ngày mai (8/10), áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lúc này, công tác phòng chống thiên tai sẽ khó khăn hơn.

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trong 24 giờ tới

Hồi 19 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Ngày 8/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão - Ảnh 1.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng cao mạnh lên thành bão. Đến 19 giờ ngày 08/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, ngay vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 19 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,7 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, ngay vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh; trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh; khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Ngoài ra, ở phía Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cảnh báo mưa lớn: Trong đêm nay (07/10) và ngày mai (08/10), ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm; Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm 08/10, mưa lớn giảm nhanh ở những khu vực trên.

Từ ngày 09-12/10, ở Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ có khả năng xảy ra mưa to đến rất to.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Việt Nam chuẩn bị nền tảng để đối mặt với "thách thức kép" COVID-19 và thiên tai

Nếu như cách đây 1 năm, "nguy cơ kép này" mới chỉ là cảnh báo thì năm nay, điều này đã trở thành hiện thực. Những ngày qua, dù áp thấp nhiệt đới vẫn còn ở ngoài biển, một số địa phương ở miền Trung đã bắt đầu có mưa lớn.

Tại Nghệ An mưa lớn chiều ngày 5/10 đã gây ngập cục bộ trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu. Các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, nhiều cánh đồng nước ngập sâu.

Ngày 8/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão - Ảnh 2.

Gia cố các phương tiền thuyền, bè... trước khi bão đổ bộ vào đất liền. (Ảnh: TTXVN)

Cùng ngày tại Hà Tĩnh, mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường bị ngập, có điểm sâu hơn 60cm. Mực nước tại 5 hồ chứa lớn trên địa bàn huyện Hương Sơn đã chảy qua tràn từ 5 - 15 cm. Ngoài ra mực nước tại 84 hồ đập nhỏ do các xã quản lý đang ở cao trình từ 80 - 100% so với dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ đập đang bị xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao.

Sáng nay, TP Đà Nẵng có mưa vừa đến mưa to. Các cơ quan chức năng triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; sẵn sàng vận hành các trạm bơm chống ngập nội thành.

Áp thấp nhiệt đới chưa ảnh hưởng trực tiếp nhưng đã có mưa to. Dự kiến từ hôm nay đến ngày thứ Ba tuần sau, Trung Bộ sẽ chịu tác động của hệ thống thời tiết gồm dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Đây là một hệ thống gây mưa lớn điển hình ở khu vực này.

Giai đoạn hôm nay và ngày mai, mưa chủ yếu do dải hội tụ nhiệt đới và áp thấp nhiệt đới, mưa tập trung ở khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế. Tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Còn ở Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum có mưa vừa mưa to lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ ngày 9-12/10, có thêm không khí lạnh, vùng mưa mở rộng ra Bắc Bộ và phía Bắc của miền Trung. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Ngập lụt, sạt lở đất là những loại hình thiên tai phải sơ tán dân. Nhưng việc tập trung đông người có thể khiến gia tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Trước tình hình này, Việt Nam đã chuẩn bị một số nền tảng để đối mặt với thách thức kép.

Song song với hướng dẫn cách chuẩn bị đồ sơ tán khi có thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19 là sổ tay phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh cũng được gấp rút chuyển tới các địa phương. Tất cả đều phải theo chiến lược kép đã được thống nhất.

Bên cạnh 5K, phương châm 4 tại chỗ một lần nữa được đề cao và nhấn mạnh trong công tác phòng chống thiên tai thời điểm dịch bệnh. Đặc biệt về yếu tố lực lượng tại chỗ.

Trong thiên tai thì sự chủ động là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Mong rằng người dân hết sức chủ động, dự liệu trước các khả năng tổn thương mà thiên tai có thể gây ra.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước