Ngày đoàn tụ thiêng liêng

VTV Digital-Chủ nhật, ngày 30/04/2023 13:50 GMT+7

VTV.vn - Ngày này 48 năm trước, 30/4/1975 là ngày đoàn tụ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam sau hàng chục năm bị chia cắt.

"Ngày mai hết chuyện chiến tranh/ Bắc Nam thống nhất thì anh trở về". Đây là những dòng tâm sự được viết trong cuốn nhật ký của người lính tham gia chiến trường miền Nam. Điều này cũng thể hiện khát khao cháy bỏng của mỗi người dân Việt Nam khi ấy: Đó là thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà.

Khát khao đó đã trở thành động lực để bao người Việt Nam gác lại tuổi trẻ, tình yêu của mình lên đường đi chiến đấu, trải qua bao gian khổ, hy sinh, dưới mưa bom bão đạn, bị tra tấn, bị tù đày. Khát vọng đó đã vỡ òa trong thời khắc lịch sử, ngày 30/4/1975, đúng ngày này cách đây 48 năm, khi lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Từ đây, non sông thu về một mối - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập đã liền một dải từ Bắc vào Nam, từ đất liền đến hải đảo. Đó là ngày đoàn tụ, ngày thống nhất của cả dân tộc Việt Nam, sau 21 năm bị chia cắt.

30/4/1975, NGÀY ĐOÀN TỤ

Sáng sớm ngày 30/4, 5 cánh quân lớn của ta từ 5 hướng đồng loạt tổng tiến công vào các vị trí đầu não của chính quyền Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, cổng Dinh Độc Lập bị xe tăng húc đổ.

Đúng 11h30 phút, Lá cờ của Quân Giải phóng đã tung bay trên dinh lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trong niềm hân hoan, chờ đón của cả dân tộc.

Trong ngày 30/4, những cánh quân giải phóng tiến sâu vào nội đô thành phố, tham gia vào công tác quân quản trong sự hân hoan, chào đón của đồng bào miền Nam. Họ đã tràn ra đường, tay bắt, mặt mừng với các chiến sỹ của đoàn quân giải phóng.

Sau những bỡ ngỡ đầu tiên là sự thăm hỏi thân tình. Những cái ôm và những cái bắt tay thật chặt. Mùa xuân năm 1975 đã trở thành một mùa xuân đẹp nhất, một mùa xuân nước nhà thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối. Cả đất nước trọn niềm vui.

NHỮNG "HÓA THÂN" CỦA BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN

Với những chiến sỹ tình báo, biệt động sống, hoạt động và chiến đấu trong lòng địch, luôn cận kề với hiểm nguy và cái chết, ngày 30/4/1975 cũng chính là ngày họ được trở về với người thân của mình, sau biết bao năm tháng đằng đẵng, ẩn mình đóng vai trong những nhiệm vụ nguy hiểm bậc nhất.

Để trả nợ nước, thù nhà, năm 1968, khi chỉ mới 14 tuổi, bà Nguyễn Thị Minh Hiền đã tham gia hoạt động cách mạng. Bà được tổ chức sắp xếp đến ở và làm thuê cho gia đình đại úy cảnh sát của chế độ Sài Gòn - hoạt động ngay trong sào huyệt của quân thù. Nhờ đó, Minh Hiền đã khai thác được nhiều thông tin phục vụ cho các trận đánh của ta.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 1.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Minh Hiền (tên thật là Phan Thị Hồng Châu).

Đại tá tình báo Tư Cang là cụm trưởng cụm tình báo H63 - đơn vị tác nghiệp đặc biệt, nhằm điều tra các thông tin mật mở mạch máu vận chuyển thông tin, tài liệu thông suốt, chưa một lần đứt đường dây dù trong gian khổ, ác liệt nào.

Để hoạt động, mỗi thành viên phải biến hóa thành những cuộc đời khác nhau, từ nhân thân đến giấy tờ. Thậm chí, khi bị truy nã, phía địch cũng chỉ biết những thông tin không rõ ràng. Màn sương mờ của các chiến sĩ bao trùm lên nỗi bất an của quân thù.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 2.
Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 3.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang).

Sẵn sàng hy sinh - Đoàn kết một lòng - Mưu trí vô song - Dũng cảm tuyệt vời - Trung kiên bất khuất. Những chiến sĩ biệt động đã tạo nên những trận đánh lớn, bất ngờ, làm rung động chính quyền Sài Gòn.

Đất nước thống nhất, họ trở lại với cuộc sống thời bình, nhưng chưa một thời khắc nào nguôi ngoai ký ức về những ngày rực lửa - hoạt động ngay giữa sào huyệt của địch. Nó đã góp phần tạo nên một huyền thoại đẹp về những người con bất tử, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng và trường tồn của dân tộc.

ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT: ĐƯỢC CÔNG KHAI CÓ BA, CÓ MẸ

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 4.

Đây là bức ảnh của cái Tết đầu tiên Bắc Nam sum họp của gia đình Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Văn Lai. Để tạo vỏ bọc hoạt động cách mạng, các con không được nhận cha và mẹ thì đóng vai không có chồng để che mắt quân thù. Đất nước thống nhất, cả gia đình mới được đoàn tụ, những người con được công khai có ba, có mẹ, có ông bà và những người thân. Và từ đó, họ mới chính thức được làm giấy khai sinh.

Là vợ chính thức nhưng để tạo vỏ bọc cho chồng là chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động, bà Đặng Thị Thiệp - vợ của Anh hùng LLVTND Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) - phải chịu mang tiếng "gái trẻ giật chồng" trong suốt 10 năm.

Tháng 5/1966, tổ chức chấp thuận cho bà Thiệp và ông Lai kết hôn, hoạt động đơn tuyến ở ngay nội đô Sài Gòn. Dưới vỏ bọc nhà thầu khoán giàu có, làm việc cho Dinh Độc Lập, ông bà mua rất nhiều nhà. Từ đó, họ thay phiên nhau đào hầm chứa vũ khí, chuẩn bị cho các trận đánh lớn.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 5.

Đây là một trong những căn hầm được gia đình bà Thiệp lưu giữ đến tận ngày hôm nay.

Án tử luôn treo trên đầu, vì thế, để bảo vệ gia đình, bà Thiệp phải sống trong lén lút, hàm oan. Hàng xóm dùng những từ tồi tệ nhất để chửi rủa, miệt thị bà và các con vì phận làm "bé" không chồng. Thậm chí, dù sống cùng, nhưng các con của bà đều không biết mình có ba.

Ngày 30/4/1975, trong dòng người hò reo mừng chiến thắng, bà Thiệp đứng lặng một góc. Với bà, đây không chỉ là ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, gia đình đoàn tụ, mà đó còn là ngày bà cởi bỏ cái mác vợ bé sau một thập kỷ chịu hàm oan để làm cách mạng.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 6.

Đất nước thống nhất, gia đình được đoàn tụ, cũng là lúc những đứa trẻ trong bức ảnh dưới đây có tên trong giá thú, được có tên ba, tên má trong khai sinh, và được khai sinh cùng một ngày - ngày 07/5.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 7.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, bà Thiệp giờ đã ngoài 80, nhưng hồi ức về một thập kỷ hàm oan vẫn còn vẹn nguyên trong bà. Thắp nén nhang lên mộ chồng, bà Thiệp đứng lặng hồi lâu. Cái giá của hòa bình vô cùng đắt, phải đánh đổi bằng máu xương, khổ đau và cả những sự hy sinh phi thường.

TRỞ VỀ SAU 48 NĂM BẰNG NHỮNG TRANG NHẬT KÝ

Mặc dù muộn nhưng những cuộc đoàn tụ của gia đình sau khi đất nước thống nhất cũng là một niềm hạnh phúc. Thế nhưng đã có rất nhiều người con ra đi không bao giờ trở về.

Những dòng liệt sỹ Cao Văn Tuất đã viết gửi một người em đặc biệt: "Anh biết rồi sẽ phải xa em/ Vì một lẽ giản đơn em nhỉ/ Tổ quốc cần anh người chiến sỹ/ Giải phóng quân chiến đấu vì dân/ Lúc này Đảng, Tổ quốc đang cần/ Thì em ơi, tình riêng đành đôi ngả"…

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 8.

Sau 48 năm đất nước thống nhất, một cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam và trao tận tay gia đình cuốn nhật ký, mà ở trong đó là những tâm tình với gia đình, với người thương của mình.

Trên mỗi chặng đường hành quân chiến đấu, khi nhớ mẹ, nhớ nhà, liệt sĩ Cao Văn Tuất lại viết ra những dòng nhật ký. Những lời tâm sự được anh viết vào ngày 24/11/1966 cũng là những dòng cuối cùng…

Năm 1963, thanh niên Cao Văn Tuất lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử. Anh đã hy sinh ở độ tuổi đôi mươi và không để lại kỷ vật gì.

Cuốn sổ nhỏ đã được người cựu binh Mỹ Peter Mathews tìm thấy khi tham gia chiến dịch ở Đăk Tô, Tây Nguyên vào cuối năm 1967. Ám ảnh chiến tranh, nên sau khi về nước, cuốn sổ nhỏ được ông cất giữ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 9.
Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 10.

Sau 56 năm, lần đầu trở lại Việt Nam, vợ chồng cựu binh Mỹ bật khóc nức nở. Sau nhiều nỗ lực từ cả hai phía, cơ quan chức năng xác định, chủ nhân của cuốn nhật ký là liệt sĩ Cao Văn Tuất ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Mở chiếc túi nhựa bên trong đựng kỷ vật, đặt vào tay em gái liệt sĩ Tuất cuốn nhật ký chiến trường, vậy là liệt sĩ Văn Tuất đã về nhà, về với người thân sau hơn nửa thế kỷ.

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 11.

Liệt sĩ Cao Văn Tuất hy sinh quá trẻ, không có hình ảnh, cũng không tìm được mộ phần, do đó, với gia đình, quyển nhật ký là kỷ vật duy nhất gắn với người thân của mình.

Bên trong 104 trang của quyển nhật ký là những dòng chép tay các bài nhạc, bài thơ về tình yêu đất nước, quê hương và khát vọng hòa bình sục sôi của chàng thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Trên bàn thờ liệt sĩ là hai bông hoa hồng được đặt trong quả cầu thủy tinh. Chúng sẽ được giữ nguyên như vậy, như cuốn nhật ký và ký ức của liệt sĩ sẽ sống mãi trong lòng dân tộc.

NGƯỜI "MẸ" CỦA HÀNG TRĂM EM NHỎ CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM

Dù chiến tranh đã lùi xa, có một người lính sau khi về thăm lại chiến trường xưa đã không đành bước chân ra đi khi thấy những em bé mồ côi bị chất độc da cam. Bà là Trần Thị Cẩm Giang, người đã nuôi hàng trăm trẻ tại mồ côi như là một cách đền ơn, đáp nghĩa cho những người đã nuôi mình trong thời gian tham gia làm cách mạng ở vùng đất Củ Chi thần đồng.

Đã ngoài 85 tuổi, đôi bàn tay và những ngón chân của má Mười đã bị mất hết móng do từng bị địch bắt và tra tấn dã man. Vốn là người con của đất thép Củ Chi, từ năm 14 tuổi bà đã sớm đi theo Cách mạng. Năm 1973, bà bị địch bắt.

Mua chuộc, dụ dỗ không được, kẻ thù dùng nhục hình tra khảo dã man nhưng vẫn không khuất phục được người chiến sĩ biệt động gan lì, dũng cảm. Từ nhà tù Tổng Nha, bà bị đưa sang nhà lao Gia Ðịnh rồi đày biệt tích ngoài Côn Ðảo.

Mãi đến ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, người nữ chiến sĩ mới được trả tự do.

Từ 5 đứa con bị nhiễm chất độc da cam của ân nhân ban đầu, hiện ngôi nhà của má Mười đã có hơn 130 đứa trẻ. 

Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 12.
Ngày đoàn tụ thiêng liêng - Ảnh 13.

Tiếng cười, nói, la hét, đập phá hòa lẫn vào nhau tạo nên những âm thanh hỗn tạp. Có em ba mẹ mang đến bỏ, có em má nhìn thấy ngoài đường đem về nuôi.

Ký ức ngày 30/4/1975 với người dân TP Hồ Chí Minh Ký ức ngày 30/4/1975 với người dân TP Hồ Chí Minh Hôm nay (30/4), kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Hôm nay (30/4), kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Hàng ngàn người dân tham quan miễn phí trụ sở HĐND- UBND TP Hồ Chí Minh Hàng ngàn người dân tham quan miễn phí trụ sở HĐND- UBND TP Hồ Chí Minh

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước