Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn thay thế gửi các địa phương, đơn vị về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư, nhà trọ trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, ngày 13/9, theo nội dung công văn Công an tỉnh Nghệ An đề cập yêu cầu ban quản trị quản lý vận hành nhà chung cư, chủ sở hữu nhà chung cư mini phải bố trí bảo vệ để thường trực, canh gác tại khu vực tầng hầm (hoặc tầng 1 nơi để phương tiện của người dân) của chung cư vào ban đêm. Nghiêm cấm việc sạc pin xe ô tô, xe mô tô trong khu vực tầng hầm chung cư.
Tuy nhiên, sau khi ban hành văn bản, nhận thấy nội dung chỉ đạo trên chưa phù hợp với thực tiễn, Công an tỉnh Nghệ An đã điều chỉnh nội dung chỉ đạo trên.
Công an tỉnh Nghệ An yêu cầu ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, chủ sở hữu nhà chung cư mini bố trí bảo vệ thường trực, canh gác tại khu vực tầng hầm (hoặc tầng 1 nơi để phương tiện của người dân) của chung cư vào ban đêm để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại khu vực sạc xe đạp điện, xe máy điện, ô tô điện ở tầng hầm và tổ chức giám sát quá trình sạc để bảo đảm an toàn về cháy, nổ.
Sự việc đau lòng xảy ra những ngày vừa qua đang khiến nhiều người lo ngại với việc sạc xe điện, cho rằng đó là một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ. Tuy nhiên, dữ liệu từ Ban An toàn giao thông vận tải Quốc gia, Cục Thống kê Giao thông Vận tải và dữ liệu thu hồi của Chính phủ Mỹ cho thấy: Thống kê trên 100.000 xe, tỷ lệ cháy của xe điệ là 0,025%, thấp hơn 61 lần so với xe xăng.
Tại Việt nam, từ năm 2015 đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ắc quy sử dụng cho xe mô tô, xe gắn máy điện với các tiêu chí nghiêm ngặt. Theo các chuyên gia, nếu đáp ứng đầy đủ những quy chuẩn này thì xe máy điện rất khó xảy ra sự cố cháy, nổ.
Việt Nam có quy chuẩn quốc gia đối với ắc quy cho xe điện.
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người dân một số kỹ năng phòng tránh như sau:
1. Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
2. Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới. Đồng thời lưu ý:
- Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định; sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện… Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…
- Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0℃ - 35℃, nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt; Khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
- Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.
3. Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.
4. Đối với xe ô tô điện:
- Sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!