Ngày 2/11, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã có mặt tại nhiều điểm sạt lở tại miền Trung để khảo sát, đánh giá, từ đó, lên kế hoạch và xây dựng quy chuẩn quy hoạch xây dựng đề phòng tránh sạt lở đất.
Sạt lở đất tại Quảng Bình cũng khiến nhiều tuyến đường như đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, QL9B, QL9E và nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác bị chia cắt. Thậm chí, trong đợt mưa lũ vừa qua, sạt lở đất đã khiến cả một khu dân cư tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa với 20 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Hiện trường vụ sạt lở đất tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Ảnh: Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên
Ông Phan Duy Thương - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong đợt kiểm tra này, đoàn tập trung khảo sát, đánh giá về sạt trượt đất, hiệu quả của nhà tránh bão lụt khu vực miền Trung và xem xét việc quy hoạch vị trí xây dựng để giảm thiểu ảnh hưởng từ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Chuyên gia địa chất, PGS. TS Phạm Hữu Sy cho rằng nghiên cứu về trượt lở mới dừng ở cảnh báo. Người đi đo vẽ bản đồ cho cả khu vực và phân chia ra các khu vực có mức độ trượt lở khác nhau. Đó là bản đồ cảnh báo trượt lở. Bản đồ ấy cũng giúp mọi người nhận thức được trượt nhưng không giúp dự báo thời điểm xảy ra. Đó mới là vấn đề mấu chốt.
Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung lần này, Bộ Xây dựng và các chuyên gia sẽ cùng đánh giá và nỗ lực để có thể có các cảnh báo đối với những khu vực có khả năng sạt lở. Từ đó, Bộ sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại quy hoạch xây dựng và khảo sát lại các vùng xung yếu, các khu dân cư, khu vực quân sự, đặc biệt ở các vùng núi, khu vực biên giới, nhằm chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của sạt lở đất trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!