Chằng chịt các bó dây điện trong con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 người đi ở Hà Nội
Ngõ nhỏ, phố nhỏ ở Hà Nội từ lâu đã trở thành thường thức của người dân thủ đô vốn đã quen với lối sống chật chội, đông đúc. Thế nhưng, ngày càng nhiều các vụ cháy lớn trong ngõ nhỏ, gây ra những hậu quả thảm khốc trong thời gian gần đây đã khiến nỗi lo của người dân ngày càng lớn hơn.
Ngõ 12 Cát Linh bị một hộ dân lấn chiếm 2/3 mặt cắt ngang, thu hẹp từ 3m xuống còn chưa đầy 1m
Nhà lấn chiếm 2/3 ngõ
Ngõ 12 phố Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) có mặt cắt rộng khoảng 3m. Thế nhưng càng vào trong, con ngõ này càng thu hẹp lại do một hộ dân sinh sống tại đây đã lấn chiếm ra mặt ngõ. Một số điểm càng bị thu hẹp đến mức chỉ còn vừa đủ cho một xe máy đi qua. Theo người dân sinh sống trong khu vực này, từ năm 1971 các hộ dân mới về đây sinh sống thì chưa ai lấn chiếm. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, quá trình các hộ dân sửa nhà hoặc xây mới đã "mạnh ai nấy chiếm".
Nói về vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, bà Vũ Thị Lương (87 tuổi), người dân ngõ 12 Cát Linh cho biết: "Chúng tôi vẫn sợ thôi. Thương người ta nhưng mà nghĩ đến mình. Bây giờ mà cháy nổ như thế thì không biết xử lý như thế nào? Xe cứu hỏa tất nhiên là không vào được. Người ta đỗ ở sân ngoài kia rồi chạy vào chứ xe là không vào được".
Cũng theo người dân ở ngõ 12 Cát Linh, việc các hộ dân lấn chiếm từng chút không hề bị ngăn chặn, cũng chưa từng bị cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý.
Bà Vũ Thị Lương (87 tuổi) cho biết các hộ dân lấn chiếm mặt ngõ chưa từng bị cơ quan chức năng ngăn chặn
Những địa đạo sâu hun hút
Tại ngõ Văn Chương, Văn Hương (phường Văn Chương, phường Tôn Đức Thắng) tồn tại hàng trăm ngõ nhỏ, ngách nhỏ sâu hun hút. Nhiều ngõ, ngách chỉ đủ diện tích để di chuyển một xe máy qua một cách khó khăn. Để đi qua những con ngách hẹp, người dân phải ngồi lên xe máy di chuyển qua mà không thể dắt bộ vì không còn chỗ đặt chân.
"Ngày xưa ngõ to lắm, xe mấy tấn còn đi vào được. Nhà tôi làm nhà cả ô tô tải đá còn chở vào đây được. Bây giờ thì nhỏ, họ lấn ra ấy mà. Những ngõ ngách này bây giờ sợ vào lắm vì cháy là xe cứu hỏa không vào được, dây cứu hỏa thì làm sao kéo được mấy chục mét", bà Bùi Thị Bính (89 tuổi) người dân ngõ Văn Chương chia sẻ.
Các khu vực ngõ này có nhiều nhà xuống cấp, thêm vào đó là hệ thống điện chằng chịt, nhà dạng hình ống, không có lối thoát nạn, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy; tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Khi có cháy, hậu quả xảy ra sẽ rất nghiêm trọng do các xe cứu hỏa không có khả năng tiếp cận.
Bà Bùi Thị Bính (89 tuổi) cho biết ngõ ngách Hà Nội xưa rất rộng rãi
Người dân phải chủ động PCCC
Sau vụ cháy chung cư mini Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khiến 56 người thiệt mạng, hoạt động tuyên truyền về PCCC tại cơ sở được chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tại các khu vực xe chữa cháy không tiếp cận được trong ngõ nhỏ, ngách nhỏ, công tác chữa cháy tại chỗ càng cần được quan tâm hơn.
"Tôi là người sống trong xóm ngõ, đợt vừa rồi cũng được đi tập huấn về PCCC. Tôi vẫn hiểu là rất nguy hiểm. Nếu chẳng may có vấn đề cháy nổ là rất khó xử lý, ở trong ngõ nhỏ rất khó. Nói chung ở đây rất nhiều ngõ ngách, không đếm hết được. Khi đã là hẻm rồi mà trong hẻm vẫn còn ngách nữa. Tôi có xem trên thời sự về vụ cháy thì tôi thấy đây cũng là một bài học để cho mọi người sinh sống trong ngõ nhỏ, ngách nhỏ có cách để ứng phó", ông Vũ Cao Sơn, người dân phường Văn Chương cho biết.
Ông Vũ Cao Sơn, người dân quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đã được tập huấn kiến thức về PCCC
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội, những khu dân cư có ngõ nhỏ, ngách nhỏ với dân cư đông đúc, hệ thống dây điện chằng chịt là những thách thức trong công tác PCCC. Hiện Hà Nội có hơn 1.200 tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng. Đối với những ngõ ngách nhỏ, ngay cả xe chữa cháy mini từng được Hà Nội giới thiệu là nhỏ gọn cũng không có cách nào tiếp cận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!