Theo dự báo, bão số 1 dù không đi vào đất liền nhưng đây vẫn là cơn bão với diễn biến phức tạp nhất là trên biển Đông. Chính vì vậy, mối quan tâm hàng đầu vào lúc này là làm sao đảm bảo an toàn cho tàu thuyền đang khai thác trên biển.
Với ngư dân vùng ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ, thời tiết trên bờ yên ổn không có nghĩa là không lo lắng. Tàu cá của ông Hồ Hoàng Sơn (ngư dân huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) kết thúc khai thác đúng lúc bão số 1 hình thành trên biển. Ở trên bờ nhưng theo thói quen của người vùng biển, ông Sơn vẫn thường xuyên liên lạc qua bộ đàm với những tàu cá còn ở trên biển.
Phần lớn tàu cá ở các tỉnh Nam Trung bộ thời gian này khai thác ở khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển phía Nam nên đã tránh được bão số 1. Như ở tỉnh Khánh Hòa, hiện có hơn 1.000 tàu cá với gần 5.000 thuyền viên hoạt động trên biển. Tất cả đều chủ động phòng tránh an toàn.
Do giá xăng dầu tăng cao nên thời gian này, số tàu cá bám biển giảm mạnh. Đây là điểm khác so với những mùa mưa bão các năm trước. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân, rủi ro thiên tai luôn là điều khó lường vì ngay cả khi neo bờ, nếu thời tiết cực đoan thì thiệt hại khó tránh khỏi.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, dù không phải là mùa mưa bão nhưng hơn 170 tàu thuyền của ngư dân Nam Trung Bộ bị chìm, hư hỏng, hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản bị vỡ nát sau đợt sóng lớn.
Chủ động ứng phó thiên tai luôn là bài học không bao giờ cũ đối với những vùng biển như các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi đứng đầu về tần suất hứng chịu thiên tai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!