Người bác sĩ miền núi tận tụy hết lòng vì người bệnh

Nguyễn Quân-Thứ ba, ngày 22/10/2024 05:50 GMT+7

Bác sĩ Hồ A Chua đang thăm khám cho người bệnh

VTV.vn - Nhắc đến bác sĩ Hồ A Chua, nhiều người dân ở huyện miền núi Mường Chà (Điện Biên) đều thể hiện một niềm kính trọng, tin yêu.

Hồ A Chua là người Mông tiêu biểu về ý chí học tập và thành đạt ở bản Sa Lông I, xã Sa Lông, là bác sĩ đầu tiên nơi miền biên viễn này.

Hồ A Chua sinh năm 1990. Năm lớp 8 bố không may qua đời, A Chua lớn lên cùng những mùa rẫy nhọc nhằn của mẹ. "Bố tôi bị rắn cắn, vì không có thuốc cứu chữa kịp thời nên bố qua đời để lại mẹ tôi và 3 đứa con nhỏ dại. Thời điểm này, những suy nghĩ trở thành một bác sĩ để giúp đỡ những người thân cũng như bà con dân bản dần nhen nhóm trong tôi."- Hồ A Chua nhớ lại kỷ niệm cũ, cũng là lí do để anh trở thành một vị bác sĩ như hôm nay.

Người bác sĩ miền núi tận tụy hết lòng vì người bệnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Hồ A Chua mong muốn làm thầy thuốc cứu người ngay từ khi còn nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3 trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên, tháng 12/2009 Hồ A Chua thi đỗ vào trường Đại học Y Dược Thái Bình. Tháng 6 năm 2016 A Chua ra trường với tấm bằng bác sĩ Đa khoa. Cũng trong năm ấy, Hồ A Chua được gọi đi học và huấn luyện tại Học viện Quân Y Hà Nội. Cuối năm 2016 Hồ A Chua được phong quân hàm thiếu úy, được nhà trường đón về trường và trao bằng Bác sĩ.

Dù học tập và sinh sống ở đâu thì quê hương Mường Chà vẫn nằm trong tâm thức để Hồ A Chua hướng về. "Chính vì vậy mà tháng 5/2017 tôi có quyết định về TTYT huyện Mường Chà công tác tại khoa Ngoại tổng hợp, đến 9/2017 tôi được điều động lên trạm y tế xã Sa Lông công tác, nhận nhiệm vụ thu dung bệnh nhân và khám chữa bệnh, kê đơn"

Từ lúc này, ước mơ được khám bệnh, giúp đỡ bà con dân bản đã trở thành hiện thực. Không ngại khổ, ngại khó, vừa thực hành, vừa tự trao dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân. Cuối năm 2022 Hồ A Chua được lãnh đạo cử đi học lớp định hướng Y học Cổ truyền Cơ bản tại Trường Đại học Y Hà Nội. Tháng 9 năm 2023 Hồ A Chua tốt nghiệp ra trường và được điều động về khoa Nội- YHCT và PHCN – Trung tâm Y tế huyện Mường Chà.

Người bác sĩ miền núi tận tụy hết lòng vì người bệnh - Ảnh 2.

Anh đã vượt qua nhiều gian khó để trở thành bác sĩ.

"Là một người con dân tộc miền núi xa xôi, biết chịu khó học hành nên tôi được thầy cô và bạn bè rất thương yêu giúp đỡ. Nếu có một trở ngại trong quá trình tiếp nhận kiến thức thì đó là ngôn ngữ. Ban đầu, có những kiến thức thầy cô truyền thụ tôi chưa lĩnh hội hết. Tôi mạnh dạn nhờ thầy cô, bạn bè giải thích kỹ hơn, dần dần những khó khăn cũng được khắc phục." – Bác sĩ Hồ A Chua tâm sự. Cũng theo chia sẻ của vị bác sĩ trẻ này, hạnh phúc lớn nhất của anh là được vận dụng những kỹ năng kiến thức tiếp thu được từ các thầy cô tại những trường Đại học vào thực tiễn để cứu chữa điều trị cho bệnh nhân, giúp cho người dân nghèo thoát khỏi những căm bệnh nguy hiểm, cứu được mạng người.

Người bác sĩ miền núi tận tụy hết lòng vì người bệnh - Ảnh 3.

Bản thân anh hàng ngày vẫn trau dồi kiến thức, mong muốn được học cao lên nữa.

Làm người bác sĩ vùng núi xa xôi, theo Hồ A Chua, ngoài chuyên môn của một người thầy thuốc thì sự kiên nhẫn, tình thương yêu dành cho bà con dân bản phải là một khái niệm rất thật. "Năm 2017 trong đợt chiến dịch uốn ván tại bản Huổi Gió, xã Mường Tùng, theo sự phân công của cấp trên, 2 cán bộ y tế chúng tôi cùng với một cán bộ bản đi vào làm công tác tuyên truyền, truyền thông và tiêm phòng uốn ván cho chị em phụ nữ độ tuổi từ 15 – 49 tuổi. Ngày hôm đó chúng tôi phải đi từ sáng sớm và phải đi 10 km leo đồi núi. Khi đến lán nương hộ dân, sau một hồi tuyên truyền vận động chủ hộ vẫn không đồng ý cho anh em cán bộ y tế tiêm phòng. Bản thân tôi đã làm công tác tư tưởng vận động và tự mình làm mẫu tiêm một mũi uốn ván trước. Sau đó, chủ hộ dân đã đồng thuận cho vợ, 2 con dâu và con gái tiêm phòng uốn ván. Sau khi xong nhiệm vụ chúng tôi quay về thì phải dìu đồng chí y tá về vì đồng chí bị sưng khớp không quen với việc đi bộ đường đồi núi, lúc đi thì không bị đau, lúc về lại không đi nổi. Vừa đi vừa nghỉ, khi chúng tôi về đến nơi gửi xe thì đã 20h tối, lúc đó vừa mệt vừa đói. Mệt nhưng vui. Vì thấy mình đã làm được những công việc có ích."

Người bác sĩ miền núi tận tụy hết lòng vì người bệnh - Ảnh 4.

Bác sĩ Hồ A Chua đã có 17 lần tình nguyện hiến máu cứu người

Tận tình chăm lo sức khỏe cho bà con dân bản, bác sĩ Hồ A Chua còn được biết đến là một trong những người có số lần tình nguyện hiến máu nhiều ở huyện Mường Chà. Từ năm 2010, khi còn là một sinh viên, đến nay, Hồ A Chua đã có 17 lần hiến máu, kịp thời cứu giúp những bệnh nhân trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. "Là một bác sỹ trực tiếp điều trị cho người bệnh tại một huyện miền núi của tỉnh Điện Biên tôi hiểu được tầm quan trọng của những đơn vị máu. Trong nhiều tình huống khẩn cấp như tai nạn giao thông, tai biến sản khoa… nếu không có máu để truyền kịp thời cho người bệnh thì khó giữ được tính mạng của họ. Chính vì vậy, bên cạnh hoạt động chuyên môn thì hiến máu cũng là một "nhiệm vụ đặc biệt" của các bác sỹ như chúng tôi." – Hồ A Chua nói về công việc của mình. Được biết, trong 17 lần hiến máu cứu người của bác sĩ Hồ A Chua đã có những lần hiến máu khẩn cấp, cứu sống chính những bệnh nhân của mình.

Người bác sĩ miền núi tận tụy hết lòng vì người bệnh - Ảnh 5.

Anh được vinh danh là một trong những tấm gương sáng trong phong trào hiến máu

Mong muốn lớn nhất của A Chua bây giờ là có điều kiện đi học chuyên khoa sâu hơn cũng như bồi dưỡng nâng cao các cận lâm sàng phục vụ công tác chẩn đoán điều trị bệnh. "Sự học là không có điểm dừng, đặc biệt là đối với công việc của một người bác sĩ. Nếu có cơ hội tôi sẽ tiếp tục học để ngày một hoàn thiện bản thân. Từ đó có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản"- Bác sĩ Hồ A Chua nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước