Hộ chiếu vaccine hiểu đơn giản là chứng nhận bạn đã tiêm chủng bao nhiêu liều vaccine phòng COVID-19 và nó sẽ được công nhận ở nhiều quốc gia nơi bạn đi du lịch hoặc làm việc.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng trên cả nước triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng COVID-19 từ ngày 8/4, để Bộ tiến hành cấp "hộ chiếu vaccine" cho người dân dự kiến bắt đầu từ ngày 15/4. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai cấp "Hộ chiếu vaccine" và quán triệt việc bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19.
Người dân sẽ được cấp hộ chiếu vaccine từ ngày 15/4
Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 1/4, cả nước đã tiêm hơn 206 triệu liều. Tuy nhiên trên hệ thống phần mềm tiêm chủng mới ghi nhận thông tin hơn 197 triệu mũi tiêm, như vậy còn gần 9 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống.
Theo số liệu của Bộ Công an, tính đến ngày 30/3, Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 đã gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 154 triệu mũi tiêm, còn khoảng 41 triệu mũi chưa cũ thiếu thông tin về số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các địa phương, đơn vị về quy trình cấp "hộ chiếu vaccine", các giải pháp bổ sung, xác thực thông tin tiêm chủng COVID-19, về bảo mật, triển khai ký số.
Sau hội nghị này, dự kiến từ ngày 15/4 tới, Bộ Y tế sẽ cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân. Ảnh: VGP/HM
Hiện, phần mềm quản lý cho phép ký 3.000 mũi tiêm cho 1.000 đối tượng/lần ký. Sau ký các mũi tiêm cũ, sẽ ký chứng nhận tiêm các mũi tiêm mới ngay trong ngày. Nơi nào tiêm thì nơi đó ký xác nhận tiêm chủng.
Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai ký số, trong 1 ngày có thể hoàn thành toàn bộ các mũi tiêm tại bệnh viện này.
Hộ chiếu vaccine bao gồm những thông tin gì?
Như vậy, còn rất nhiều việc các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng, cơ quan công an phải làm từ nay đến ngày 15/4 để có thể cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Việc cấp hộ chiếu vaccine sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam khi đi ra nước ngoài mà nước đó yêu cầu phải có chứng nhận về tiêm chủng vaccine COVID-19 thì mới được nhập cảnh. Dự kiến, hộ chiếu vaccine sẽ bao gồm 11 trường thông tin sau bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh: Họ và tên; Ngày tháng năm sinh; Quốc tịch; Bệnh dịch mà chứng nhận nhắm tới; Số mũi tiêm đã nhận; Ngày tiêm; Liều số bao nhiêu; Tên loại vaccine; Các thông tin khác về sản phẩm vaccine như lô bao nhiêu; Nhà cung cấp hoặc sản xuất vaccine; Mã số của chứng nhận.
Mẫu hộ chiếu vaccine hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19. Ảnh: Bộ Y tế
Người dân cần làm gì để được cấp hộ chiếu vaccine?
Những thông tin trên của hộ chiếu vaccine sẽ được mã hóa thành 1 mã QR trên ứng dụng PC-COVID hay Sổ Sức khỏe điện tử. Hiện đã có 1.000 người được cấp hộ chiếu vaccine. Với những người không sử dụng điện thoại thông minh thì có thể lên 1 website để in mã QR này ra giấy. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế cung cấp thông tin chi tiết hơn.
Ông Nguyễn Trường Nam cho biết: "Khi cấp hộ chiều vaccine, người dân sẽ không phải làm gì cả bởi vì tất cả các trách nhiệm khi thực hiện cấp hộ chiếu vaccine này đều do các cơ sở tiêm cũng như là Bộ Y tế sẽ cấp ký xác nhận chứng nhận hộ chiếu vaccine. Người dân sau khi trên hệ thống cấp chứng nhận hộ chiếu vaccine đã được Bộ Y tế ký số xác nhận ra chuẩn mã QR code tiêu chuẩn châu Âu thì nó sẽ được liên thông với Sổ Sức khỏe điện tử và ứng dụng PC-COVID như vậy người dân chỉ cần mở các ứng dụng này ra thì đã nhìn thấy được mã QR chứng nhận về hộ chiếu vaccine của mình trên Sổ Sức khỏe điện tử và mã QR của PC-COVID.
Trong trường hợp người dân không dùng smartphone hay vì lý do gì đó thì người dân hoàn toàn có thể tra cứu mã QR hộ chiếu vaccine của mình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Chỉ cần người dân nhập đúng thông tin về mã định danh cũng như là thông tin theo yêu cầu trên hệ thống thì người dân sẽ nhận được mã QR chứng nhận về cấp hộ chiếu vaccine do Bộ Y tế cấp theo đúng tiêu chuẩn của châu Âu".
Hộ chiếu vaccine thúc đẩy du lịch
Từ đầu tháng này, Malaysia bắt đầu quá trình chuyển đổi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa biên giới cho khách quốc tế. Du khách chỉ cần trình chứng nhận tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh nước này.
Các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines, Indonesia và Singapore cũng đều yêu cầu chứng nhận tiêm đầy đủ vaccine khi nhập cảnh.
Như tại Singapore, quốc gia mở cửa du lịch hoàn toàn sớm nhất tại Đông Nam Á, yêu cầu khách du lịch cần trình chứng nhận tiêm chủng bằng tiếng Anh để được nhập cảnh. Các yêu cầu cụ thể như mũi thứ hai cách thời gian khởi hành ít nhất 14 ngày. Các loại vaccine phải được WHO công nhận và chấp nhận việc tiêm trộn.
Tại châu Âu, từ hè năm ngoái, EU đã đưa vào sử dụng Chứng nhận vaccine điện tử của Liên minh châu Âu. Chứng nhận cho phép người dân từ 27 quốc gia thuộc EU sử dụng điện thoại để chứng minh họ đã được tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, xu hướng tại châu Âu bây giờ là các nước đang bãi bỏ mọi biện pháp hạn chế đi lại, trong đó không yêu cầu chứng nhận tiêm chủng. Có thể kể đến các nước như Anh, Hungary, Ba Lan, Rumani, Iceland, Na Uy, Slovenia và nhiều quốc gia khác. Nguyên nhân là bởi khi tỷ lệ tiêm chủng cao thì các yêu cầu liên quan đến hộ chiếu vaccine có thể không cần thiết nữa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!