Trong hôm nay (9/9), các chuyến tàu ra đảo sẽ hoạt động bình thường. Còn từ ngày mai (10/9), học sinh tại huyện đảo Cô Tô sẽ quay trở lại trường học.
Tàu xi măng nặng hơn 200 tấn cũng không thể trụ vững trước bão gió cấp 13. Là 1 trong 14 chiếc bị chìm tại âu cảng Cô Tô, anh Phẳng trong khi chờ đợi phương án trục vớt đang nhặt lại những vật dụng còn sử dụng được.
"Gia đình vớt thiệt hại nhưng phải khôi phục để làm lại, cứu vãn kinh tế. Vay mượn nhiều mà bỏ đi thì không được", anh Đinh Khắc Phẳng (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) chia sẻ.
Chị Thịnh (chủ homestay Thủy Thịnh, bãi tắm Vàn Chảy, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) vay vốn làm 20 căn bungalow ngay tại khu vực bãi tắm Vàn Chảy, chỉ sau 2 giờ bão quần thảo, cái còn lại còn là những mảng gỗ. Nhặt lại từng cái ốc vít, cất từng thanh ván sàn, chị Thịnh cố gắng xây dựng lại cơ sở từ sau cơn bão.
Anh Phẳng nhặt những vật dụng còn sử dụng được sau bão số 3.
"Trước mắt cứ dọn bão, thu dọn gọn gàng rồi tính tiếp. Nếu vay mượn được thì làm tiếp", chị Vũ Mai Thịnh (chủ homestay Thủy Thịnh, bãi tắm Vàn Chảy, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) cho biết.
Trên cả đảo, gần như nhà nào có mái tôn, mái ngói đều bị tốc, bị lật, nhưng không chỉ lo việc nhà mình, hàng xóm đều tranh thủ giúp đỡ nhau. Xã Hồng Tiến có 5 thôn bị chia cắt sau bão. Không quản thời tiết oi nóng, mọi người đều cố gắng để thông đường.
"Chúng tôi cố gắng thông những tuyến đường huyết mạch của xã và huyện để liên thông cho người dân đi lại mua lương thực, thực phẩm", bà Nguyễn Thị Thu Hà (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô, Quảng Ninh) cho hay.
Mỗi giờ đi qua, những con đường trên đảo Cô Tô lại được dọn dẹp gọn gàng hơn. Biển êm trở lại. Tàu ra vào đảo sẽ lại cập bờ. Đảo tiền tiêu sau bão sẽ dần hồi phục bằng sự chủ động và kiên cường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!