Người dân đi mua dụng cụ chống bão.
Tại nhiều tuyến đường, người dân đổ xô đi mua bao bì để đựng cát chắn mái tôn, người bán không kịp phục vụ khách hàng. Giá các loại bao từ 2.000 - 4.000 đồng/bao. Chủ cửa hàng cho biết, từ sáng đã có rất đông người dân mua các vật dụng dùng để chằng chống nhà cửa như bao bì đựng cát, đinh vít, dây kẽm, tôn… Trung bình, mỗi ngày cửa hàng bán được 1.000 - 1.500 cái.
Ngoài bao cát, thị trường các mặt hàng như dây, đèn pin, các vật dụng tích điện cũng được bán ra với số lượng rất lớn.
Theo TTXVN, ngày 26/10, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND về việc ứng phó với cơn bão số 9. Theo đó, tất cả học sinh, sinh viên được nghỉ học từ chiều 27/10 và cả ngày 28/10; thành phố tạm dừng tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo không cần thiết để ứng phó với bão.
Tàu cá của ngư dân các tỉnh, thành phố miền Trung về neo đậu tránh bão an toàn tại Âu thuyền Thọ Quang. Ảnh: TTXVN
Thành phố Đà Nẵng khẩn trương cắt tỉa cây xanh để phòng chống bão. Ảnh: TTXVN
Theo Công điện, UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ, di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; bảo vệ lồng bè thủy sản và nghiêm cấm người dân ở trên lồng bè khi có thiên tai; tổ chức neo đậu tàu thuyền đúng quy định và đưa thuyền thúng, thuyền nhỏ lên bờ tránh bão.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương kiểm tra các công trình xây dựng và yêu cầu dừng hoạt động, phải hạ thấp cần cẩu, trục tháp, hạ hoặc neo giữ giàn giáo chắc chắn... hoàn thành trước 15h ngày 27/10.
Bộ chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố triển khai phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phối hợp cùng UBND các quận, huyện sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu (ven sông Cu Đê, Túy Loan, các xã Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, các tuyến đường ĐT60, Quốc lộ 14G, đường lên bán đảo Sơn Trà, Hải Vân, Bà Nà...).
Đồng thời, UBND các quận, huyện duy trì liên lạc thường xuyên với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai; liên tục báo cáo công tác ứng phó và tình trạng thiệt hại cho UBND thành phố trước 8h và 14h hàng ngày.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn bão số 9 là một cơn bão nguy hiểm với mưa dông, gió mạnh. Vị trí tâm bão lúc 16h ngày 26/10, cách đảo Song Tử Tây khoảng 525 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất: cấp 13 (135-150km/h), giật cấp 14. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 25km/h và có khả năng mạnh thêm.Từ chiều 27/10, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8 - 10, sau tăng lên cấp 11 - 12, giật cấp 15; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6 - 8 m.
Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió Đông Bắc cấp 8 - 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4 - 6 m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 - 5 m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5 - 1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!