Có nhà tranh thủ cúng từ cuối tuần vừa rồi. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn theo truyền thống là làm lễ cúng ông Công, ông Táo đúng ngày 23 Tháng Chạp và đi chợ từ sáng sớm.
Tấp nập nhất tại các chợ có lẽ vẫn là khu vực bán cá chép đỏ
Tại chợ Thành Công - một trong những khu chợ dân sinh lớn tại Hà Nội, để kịp chuẩn bị cho lễ tiễn ông Công, ông Táo của gia đình mình trong sáng nay, các bà các mẹ đã đi chợ từ rất sớm, không khí ở chợ từ tờ mờ sáng đã tấp nập, nhộn nhịp. Vào ngày Tết ông Công ông Táo, tấp nập nhất có lẽ vẫn là các khu vực bán cá chép đỏ, con vật theo quan niệm dân gian sẽ đưa ông Công, ông Táo về chầu trời. Năm nay, do dịch bệnh kéo dài suốt thời gian vừa qua nên sản lượng cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm, Phú Thọ - nơi chuyên nuôi cá chép đỏ cũng giảm đi. Chính vì thế giá cũng có tăng lên khá nhiều.
Bên cạnh đó, lễ vật cúng ông Công, ông Táo thường được các gia đình chuẩn bị rất chu toàn. Theo quan niệm, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (tức 12h trưa ngày 23 tháng Chạp) mới kịp lên Thiên đình. Và quý độc giả cũng lưu ý khi thả, để cá có cơ hội sống nên thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ. Đặc biệt, thả cá đừng thả túi nylon.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!