Người dân lạc trong "ma trận" thuốc điều trị COVID-19

Nguyễn Sơn - Thúy Hằng - Minh Sao-Thứ ba, ngày 22/02/2022 20:12 GMT+7

VTV.vn - Cầu tăng nhanh so với cung, thị trường thuốc điều trị COVID-19 đang trở nên loạn giá khi dịch bệnh diễn biến phức tạp

Tại nhiều quầy thuốc ở Hà Nội phần lớn khách đến mua đều tìm kiếm những loại thuốc phòng và điều trị COVID-19. Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung lại hạn chế bởi phần lớn các loại thuốc được Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng đều là thuốc nhập khẩu thế nên các mặt hàng xách tay, không hóa đơn chứng từ lại được dịp tung hoành, nhà thuốc thì mỗi nơi bán 1 giá khiến cho người dân như lạc vào ma trận thuốc điều trị COVID-19.

Thuốc Molnupiravir là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất mỗi khi người dân phát hiện mình đã dương tính với COVID-19. Dù đến thời điểm hiện tại loại thuốc này chưa có bán rộng rãi tại các nhà thuốc thế nhưng trên mạng xã hội đã rao bán tràn lan loại thuốc này. Được người bán khẳng định là hàng xách tay từ Ấn Độ, không có hóa đơn chứng từ nhưng muốn mua bao nhiêu cũng có và giá thì không hề rẻ

''Giá hôm nay là 2,5 triệu 1 hộp. Bạn lấy từ 10 hộp trở lên thì 2,1 triệu. Bản thân mình đây cũng bị mà dùng hết 1 lọ thì chỉ 3 ngày đã đỡ rồi'', một người bán nói.

Trong khi giá thuốc Molnupiravir do Việt Nam sản xuất chuẩn bị được phân phối ra thị trường có giá chỉ khoảng 300.000 ồng thì các loại hàng xách tay giá cao hơn gấp nhiều lần. Thậm chí tại các nhà thuốc, giá bán Molnupiravir còn cao hơn cả trên mạng xã hội.

PV: Ở đây có Molnupiravir không em?

Người bán: Có nhưng đắt lắm.

PV: Đắt là bao nhiêu tiền hả em?

Người bán: 2,7 triệu 1 hộp.

PV: 2,7 triệu 1 hộp, mua nhiều thì giá có rẻ hơn không em?

Người bán: Em bán có 1 lọ thôi.


Người dân lạc trong ma trận thuốc điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Là loại thuốc cấp phát có kiểm soát, không được phép bán, thế nhưng với số lượng F0 tại Hà Nội nhiều như hiện nay thì lượng thuốc Molnupiravir phát miễn phí chắc chắn không đủ. Đây chính là cơ hội cho các nhà thuốc kiếm lời. Theo các bác sĩ, tình trạng loạn giá thuốc, trục lợi từ dịch bệnh đã xảy ra từ lâu và ngày càng có biểu hiện gia tăng theo mức độ dịch bệnh.

TS.BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết: ''Từ 2-5 triệu là còn rẻ, tôi biết có nhiều người phải bỏ tới 9, 10 triệu, thậm chí mười mấy triệu để mua liệu trình điều trị thuốc này. Tôi thấy điều đó hoàn toàn không nên. Những người mua là người giàu, nhưng trong đó cũng có nhiều người phải thắt lưng buộc bụng, nhịn ăn để mua cái thuốc này vì họ cho rằng cái thuốc này thật sự cần thiết và an toàn. Theo tôi đó là trách nhiệm của nhà quản lý''.

Không chỉ Molnupiravir, nhiều người dân cũng không tiếc tiền để săn lùng thuốc Arbidol điều trị covid có xuất xứ từ Nga, hay còn được gọi là thuốc xanh, thuốc đỏ dựa vào màu sắc trên bao bì. Cho dù loại thuốc này chưa hề được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam, các gian thương vẫn tìm cách nhập lậu về bán cho người tiêu dùng vì lợi nhuận cao.

Nếu tiêu thụ trót lọt hơn 1.000 viên thuốc phòng và điều trị COVID-19, chủ hàng có thể hưởng lợi hơn 100 triệu đồng, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân không mua và sử dụng các loại thuốc phòng và điều trị COVID-19 không nằm trong hướng dẫn của Bộ Y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước