Năm nay, sản lượng đào Nhật Tân, Hà Nội dự báo sẽ giảm mạnh do thiệt hại từ bão số 3. Cây to bị bão quật đổ nát, cây nhỏ thì bị ngập. Những ngày chuyển rét, bà con lại tất bật tuốt lá cả ngày lần đêm để kịp cho ra hoa đúng vụ Tết, do đây là giai đoạn quyết định thời điểm ra hoa có đúng Tết không.
Sau bão số 3, các nhà vườn tích cực chăm sóc, bón phân, kích rễ cho những cây đào còn sót lại. Vừa thiệt hại sau bão, cộng thêm thời tiết thất thường nên nhiều nhà vườn chưa thể tính toán chuẩn thời gian ra hoa dù chỉ còn chưa tới 2 tháng nữa là Tết. Hiện các nhà vườn trong Hội Làng nghề trồng đào đang liên kết với nhau, cùng bán hàng, bù đắp cho nhau những loại đào thiếu trong vườn. Dự kiến phải mất 1-2 năm, các vườn đào Nhật Tân mới có thể phục hồi như trước bão số 3.
Còn tại Lạng Sơn, những ngày này, người dân Xứ Lạng đang tất bật chăm sóc cây đào. Mỗi khi rét đậm về, họ lại tiến hành tuốt lá đào để cây kịp ra hoa vào dịp Tết Nguyên Đán. Cây đào là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình trong suốt cả năm. Chính vì vậy, vào thời điểm này, người dân ở Lạng Sơn đặc biệt coi trọng việc chăm sóc cây đào.
Theo các hộ trồng đào, để hoa nở đúng dịp Tết, việc chăm sóc phải tùy thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết ấm áp, việc chăm sóc có thể muộn hơn, còn nếu trời rét, họ sẽ chăm sóc sớm hơn. Tuốt lá là một phương pháp đã có từ lâu, nhằm hạn chế sự sinh trưởng của thân lá, kích thích mầm hoa phát triển. Người dân thực hiện công việc này hoàn toàn bằng tay, đây là một trong những kinh nghiệm truyền thống giúp cây đào ra lộc non và nụ hoa đúng thời điểm Tết.
Để có những cành đào đẹp, người trồng đào phải chăm sóc cây một cách tỉ mỉ, đặc biệt là trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cây đào dễ bị ảnh hưởng bởi sương muối, rét đậm, vì vậy người dân phải theo dõi sát sao tình hình thời tiết và có các biện pháp phòng chống rét kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!