Người đàn ông đột quỵ tim cấp khi đang nấu ăn

Linh Đặng-Thứ ba, ngày 09/01/2024 08:04 GMT+7

Bác sĩ Hưng cùng ê kíp can thiệp tái thông mạch vành cho người bệnh. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

VTV.vn - Đầu bếp nam (42 tuổi, Hà Nội) đột ngột xuất hiện triệu chứng đau ngực vã mồ hôi, kèm khó thở khi đang nấu ăn, phải nhập viện cấp cứu do đột quỵ tim.

Ngày 8/1 BS.CKII Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, anh Nguyễn Văn Nam nhập viện trong tình trạng cấp cứu trong tình trạng đau tức nghẹn ngực trái, khó thở, vã mồ hôi. Các bác sĩ khoa cấp cứu đã tiến hành đo điện tim, xét nghiệm máu… phát hiện người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim). Nhận thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ ngay lập tức khởi động báo động đỏ toàn viện. Kíp báo động đỏ bao gồm các bác sĩ chuyên khoa hồi sức, cấp cứu, tim mạch đã có mặt kịp thời triển khai điều trị cấp cứu cho người bệnh.

10 phút sau nhập viện, người bệnh lên cơn rối loạn nhịp (rung thất), mất tri giác, phải sốc điện kịp thời cấp cứu giữ lại tính mạng cho người bệnh. Sau khi tình trạng rối loạn nhịp của người bệnh được kiểm soát, kíp báo động đỏ chuyển ngay lập tức người bệnh lên phòng can thiệp để triển khai thông lại mạch vành nuôi tim bị tắc nghẽn. Theo bác sĩ Hưng, khối xơ vữa chèn lấp toàn bộ mạch vành chính nguyên nhân gây tình trạng đau ngực, khó thở, toát mồ hôi của người bệnh.

Các bác sĩ chọc động mạch ở cổ tay người bệnh (động mạch quay), qua đó luồn ống thông đi trong lòng động mạch, đưa một bóng vào lòng động mạch vành bị tắc, rồi nong và đặt stent. Đây là kỹ thuật cao, hiệu quả, an toàn để tái thông động mạch vành cấp cứu, giảm thiểu tối đa đau đớn cho bệnh nhân. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình điều trị.

Qua khai thác tiền sử bệnh lý, bác sĩ Hưng cho biết anh Nam có bệnh lý nền tăng huyết áp và thói quen hút thuốc lá. Đây đều là những yếu tố nguy cơ rất lớn gây tình trạng tắc động mạch vành dẫn tới đột quỵ tim. Theo bác sĩ Hưng, huyết áp cao khiến tim co bóp tốn nhiều công hơn để bơm một lượng máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với tim người bình thường, gây suy tim. Huyết áp tăng cao cũng dễ khiến các mạch máu trong cơ thể bị xơ cứng và đàn hồi kém, tăng nguy cơ đột quỵ tim.

Giải thích nguy cơ hút thuốc lá gây đột quỵ tim, bác sĩ Hưng chia sẻ, hút thuốc lá làm tăng các phản ứng viêm trong lòng mạch, phối hợp với sự lắng đọng chất béo trung tính (loại chất béo xấu), giảm cholesterol tốt trên thành mạch khiến máu dính và dễ đông hơn. Lâu ngày, thúc đẩy quá trình tích tụ mảng bám (chất béo, cholesterol, canxi...) gây dày thành mạch, hẹp mạch máu, dẫn đến đột quỵ tim khi mạch máu bị tắc.

Sau 30 phút đấu tranh, giành giật tính mạng người bệnh từ lưỡi hái tử thần. Các bác sĩ đã tái thông động mạch cho người bệnh, giúp anh Nam bảo toàn tính mạng. 2 ngày sau can thiệp, người bệnh khôi phục sức khỏe, trở lại nhịp sống bình thường, xuất viện và tiếp tục công việc.

Theo bác sĩ Hưng, người bệnh đột quỵ tim cần được cấp cứu càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện, tốt nhất là 6 giờ đầu. Nếu can thiệp tái thông mạch vành muộn, cơ tim bắt đầu hoại tử diện rộng, có nguy cơ gây thủng tim, tràn máu màng tim, chèn ép khiến tim ngừng co bóp. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Trường hợp của anh Nam, rất may đã đưa tới bệnh viện sớm, kịp thời tái thông mạch vành trong thời gian vàng. Một điều may mắn nữa là ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ khoa cấp cứu với kinh nghiệm chuyên môn vững chắc đã lập tức khởi động quy trình báo động đỏ, xử lý nhanh chóng. Nếu không được sốc điện kịp thời, người bệnh có thể đã tử vong khi lên cơn loạn nhịp.

Đột quỵ tim là một bệnh cấp tính, nguy hiểm, có nhiều biến chứng phức tạp và tỷ lệ tử vong cao. Những năm gần đây bệnh có xu hướng gia tăng, không chỉ ở cao tuổi, người trẻ cũng có nguy cơ mắc đột quỵ tim. Qua khảo sát tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nhồi máu cơ tim chiếm tới 30% số bệnh nhân tim mạch. Có đến 50% người bệnh nhồi máu cơ tim nhập viện trong tình trạng quá muộn. Trường hợp vào viện kịp thời mức độ tổn thương được sắp xếp từ 1 đến 4. Trong đó, ở mức độ 4, người bệnh phải đối mặt với tử vong lên đến 90%.

Mặc dù là một trong những bệnh lý cấp tính, nguy hiểm nhưng đột quỵ tim ngày nay không còn là tuyệt vọng. Các tiến bộ y học đã cung cấp nhiều kỹ thuật mới, cứu sống người bệnh. Các kỹ thuật nong, đặt stent, phẫu thuật bắc cầu nối cảnh cảnh… cũng được áp dụng giúp người bệnh điều trị hiệu quả.

Để phòng ngừa đột quỵ tim, người bệnh nên kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là hút thuốc lá và tăng huyết áp. Ngoài xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, việc ghi nhận sớm triệu chứng cũng như chẩn đoán sớm là việc rất quan trọng để có thể cứu sống người bệnh đột quỵ tim. Do đó, nếu xuất hiện dấu hiệu biểu hiện cơn đau thắt ngực, mức độ đau có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn, lo lắng, ho, chóng mặt, tim đập nhanh… nên tới cơ sở y tế đủ khả năng cấp cứu và điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt, bác sĩ Hưng khuyến cáo

640X400

20h thứ Ba ngày 9/1, các chuyên gia hàng đầu lĩnh vực tim mạch, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tư vấn trực tuyến về đột quỵ tim tại livestream "Thời điểm vàng cấp cứu đột quỵ tim":

- TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch

- TS.BS Lê Thị Diễm Tuyết, Trưởng khoa Cấp cứu

- BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch

Chương trình phát sóng Trực tiếp trên Báo điện tử thanhnien.vn, website tamanhhospital.vn và vnvc.vn; livestream trên ứng dụng VTVgo và các fanpage: VTV24 - Trung tâm tin tức, VTV8 - Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử VnExpress.net, Báo Thanh niên, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, VNVC - Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn, Trung tâm Can thiệp mạch, Trung tâm Tim mạch; kênh Youtube Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh, Youtube Báo Thanh Niên.

*Tên người bệnh đã được thay đổi

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước