Bé trai 2,5 kg chào đời khỏe mạnh sau ca phẫu thuật bắt con do ThS.BS Nguyễn Thị Qúy Khoa đảm nhiệm. Ảnh: Hoài Thương
Chị Lê Thị Phương Liên (40 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2022. Trước đó, nhiều bệnh viện và trung tâm khác từ chối điều trị bởi chị đã mãn kinh 10 năm (mãn kinh từ năm 30 tuổi), đang phải truyền máu và thải sắt định kỳ hàng tháng do bệnh lý Thalassaemia, cắt lách từ lúc 5 tuổi và nhiều bệnh lý khác.
ThS.BSCKI Phạm Thị Bảo Yến - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Tâm Anh cho biết ngoài các tình trạng trên, chị Liên còn bị u mạch máu gan, tiểu đường, men gan tăng, độ lọc cầu thận suy giảm khiến nước tiểu luôn có hồng cầu.
Ở độ tuổi sinh nở, tử cung của phụ nữ tương đương trái lê, rộng khoảng 4-5cm, dài khoảng 6-8cm và dày khoảng 2-3cm. Trong khi đó, đường kính tử cung trước - sau của chị Liên chỉ 22 mm, tương đương tử cung của bé gái 10 tuổi. Tiên lượng mang thai rất khó khăn.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh nở siêu âm tử cung đường kính trước - sau dưới 30 mm thuộc trường hợp tử cung nhi hóa (Uterine hypoplasia), rất hiếm gặp, chỉ dưới 5%. Những trường hợp này có thể do nhiều nguyên nhân: bất thường bẩm sinh, suy giảm nội tiết tố, phụ nữ có phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng hai bên do khối u hay suy buồng trứng sớm... Ở chị Liên do nhiều bệnh lý phức tạp từ nhỏ khiến suy nội tiết, không đủ nuôi tử cung phát triển dẫn đến duy trì kích thước nhỏ như khi chị còn bé.
"Những yếu tố trên hội tụ trên một bệnh nhân tăng mức khó khăn gấp 10 lần so với những trường hợp chỉ một bệnh lý đơn lẻ", bác sĩ Yến nói. Trước khát khao có con mãnh liệt của bệnh nhân, bác sĩ Bảo Yến cùng các chuyên khoa của BVĐK Tâm Anh đã phối hợp, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.
Bác sĩ Yến cùng ekip IVF Tâm Anh nỗ lực nuôi tử cung của chị Liên phát triển đạt kích thước đủ điều kiện để mang thai.
Giữa tháng 3/2022, song song với chọc hút noãn từ người hiến noãn, chị Liên bắt đầu phác đồ nuôi tử cung. Chị được điều trị bằng thuốc nội tiết trong vòng 4 tháng liên tục, đường kính tử cung trước - sau từ 22 mm phát triển lên 35 mm.
Trải qua một chu kỳ chuyển phôi thất bại và 3 chu kỳ tiếp theo buộc phải hủy bởi nội mạc tử cung chưa đủ điều kiện cho phôi bám dính làm tổ, đến cuối tháng 11/2022, chị Liên được chuyển phôi lần 2 và có thai, sau 8 tháng điều trị hỗ trợ sinh sản.
Các liên chuyên khoa tại BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh gồm Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Trung tâm Sản Phụ khoa, khoa Nội tiết, Dinh dưỡng, Trung tâm Sơ sinh phối hợp chặt chẽ trong theo dõi và chăm sóc thai kỳ cho chị.
Kích thước tử cung trước (trái) và sau khi được nuôi nội tiết (phải) giúp chị Liên mang thai. Ảnh: Hoài Thương
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Qúy Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, chị Liên vừa khám thai vừa điều trị đái tháo đường. Liều lượng insulin được các bác sĩ khoa Nội tiết canh nghiêm ngặt vào sáng - chiều - tối. Bác sĩ dinh dưỡng đưa ra thực đơn cắt tinh bột hoàn toàn, bổ sung các nhóm chất phù hợp giúp bệnh nhân kiểm soát lượng đường huyết trong thai kỳ.
Đầu tháng 7/2023, chị Liên vỡ ối. Bé trai 2,5kg chào đời khỏe mạnh ở tuần thai thứ 34 bằng phương pháp sinh mổ. Cuộc phẫu thuật bắt con do ThS.BS Nguyễn Thị Qúy Khoa trực tiếp đảm nhiệm. Em bé khỏe mạnh xuất viện về nhà sau 2 tuần chăm sóc tại Trung tâm Sơ sinh.
ThS.BS Qúy Khoa chia sẻ có ấn tượng đặc biệt với bệnh nhân bởi sinh con khi mãn kinh đã 10 năm và hội tụ nhiều bệnh lý phức tạp đến thế. "Trong cuộc mổ bắt con, sau khi em bé ra khỏi bụng mẹ, tôi lật xem hai buồng trứng teo nhỏ mỏng dính như lá lúa. Ở trường hợp mãn kinh 10 năm, tử cung không đủ nội tiết nuôi dưỡng trong thời gian dài như vậy nhưng vẫn có thể mang thai và sinh con là sự thành công rất lớn đến từ ekip Hỗ trợ Sinh sản, sau đó mới kể đến vai trò phối hợp của các chuyên khoa khác", ThS.BS Qúy Khoa nhấn mạnh.
Từ ngày có con, chị Liên có nhiều niềm vui hơn trước, thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật. "Trước đây tôi nghĩ không sinh con, chỉ dành hết tâm tư cho chồng. Nhưng càng lớn tuổi, tôi bắt đầu khao khát có một đứa con do chính mình sinh ra, ngày ngày thủ thỉ với nó, sau này còn có nơi nương tựa. Cuối cùng ước mơ có con đã thành hiện thực", chị Liên nói.
Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, các bác sĩ từng hỗ trợ sinh sản thành công cho nhiều phụ nữ lớn tuổi (trường hợp lớn tuổi nhất là sản phụ 53 tuổi làm IVF thành công sau khi mất con do tai nạn); mắc đơn lẻ bệnh Thalassaemia, suy buồng trứng sớm (nhiều trường hợp AMH ở mức cạn kiệt là 0.1) và sinh con trong 1-2 năm đầu tiên mãn kinh.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
20h ngày 23/08/2023, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thực hiện Chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến "Thụ tinh ống nghiệm (IVF) cho vợ chồng lớn tuổi - Tăng khả năng mang thai, sinh con khỏe mạnh".
Các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản gồm: ThS.BS Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm; BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo - Phó giám đốc Trung tâm; ThS.BS Lê Đăng Khoa - Trưởng đơn vị Nam học sẽ trực tiếp giải đáp những băn khoăn của bạn đọc về các nguyên nhân vô sinh, điều trị hỗ trợ sinh sản cho những vợ chồng lớn tuổi, trường hợp lớn tuổi kèm theo nhiều bệnh lý phức tạp…
Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!