Nguy cơ thiếu nước, thiếu điện do nắng nóng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 14/05/2023 07:09 GMT+7

VTV.vn - Các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt nước. Dấu hiệu đáng lo ngại về nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt, nước cho sản xuất điện khi nắng nóng còn gia tăng.

Nhiều hồ thủy điện ở mực nước chết

Thời điểm này, hồ chứa các thủy điện lớn ở thượng nguồn, mực nước đang rất thấp, dòng chảy các sông suy kiệt. Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, dung tích các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt so với quy chuẩn tích nước mùa cạn, thậm chí có nơi xuống mực nước chết.

Dù vài ngày gần đây, nhiều nơi đã có mưa, nhưng lưu lượng nước vẫn chưa đáng kể - đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho sự thiếu nước sản xuất, sinh hoạt cũng như việc sản xuất điện sẽ gặp nhiều khó khăn khi mà trong thời gian tới, nắng nóng còn gia tăng.

Nguy cơ thiếu nước, thiếu điện do nắng nóng - Ảnh 1.

Tính đến cuối tháng 4, đầu tháng 5, cả nước có tới 18 hồ thủy điện lớn dung tích nước chỉ còn lại dưới 20%; 18 hồ chứa thuỷ điện mực nước thấp hơn quy định. Đặc biệt, có 10 hồ thủy điện đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết.

Tại miền Bắc, tại các nhà máy thuỷ điện lớn nhất như Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 60-70% so với trung bình nhiều năm. Thuỷ điện Sơn La ngày 7/5 ở mức 181m, cao hơn mực nước chết 6m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 33m. Thuỷ điện Lai Châu cũng ở tình trạng thiếu nước khi mực nước trong hồ ở mức 267m và xấp xỉ ở mực nước chết.

Nguy cơ thiếu nước, thiếu điện do nắng nóng - Ảnh 2.

Hồ thủy điện Trị An - hồ thủy điện lớn nhất miền Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chiều 7/5, mực nước đo được ở hồ này chỉ là 50,5m, cận mực nước chết - đây cũng là mực nước thấp nhất ở hồ trong hơn 12 năm qua. Lòng hồ nhiều chỗ mặt đất bị nứt toác, có chỗ nước đã cạn, chỉ còn vũng nước nhỏ khiến cá không thể sống nổi. Thậm chí, lòng hồ hiện đã trở thành đường mòn cho xe máy của người dân đi vào. Nước cạn còn để lộ ra nhiều gốc cây rừng, lưới đánh cá của người dân.

Ở miền Trung, Hồ Đại Ninh, Hàm Thuận (lưu vực sông Lũy, La Ngà, bổ sung nước cho tỉnh Bình Thuận) hiện dung tích nước dùng được chỉ còn 0,5% và 8,6% so với thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm 12% - 23%.

Đáng lo ngại nhất là tại thủy điện A Vương ở Quảng Nam, một trong 3 thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn chi phối toàn bộ nguồn nước tưới và nước sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng và một phần tỉnh Quảng Nam đang có mực nước thấp hơn 6 mét so với quy định tích nước cho mùa cạn. Nếu tiếp tục phát điện, chỉ vài tuần nữa, nước trong hồ sẽ về mực nước chết.

Nông dân gặp khó vì thiếu nước tưới

Miền Trung luôn phải đối mặt với hình thái thiên tai khắc nghiệt, hết bão lũ, sạt lở vào mùa mưa là khô hạn vào mùa nắng. Tỉnh Quảng Nam đang xảy ra tình trạng thiếu nước chưa từng có, xâm nhập mặn lại tăng cao, đời sống, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền và người dân nơi đây đang phải tập trung ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, cao điểm là vụ Hè Thu này.

Nguy cơ thiếu nước, thiếu điện do nắng nóng - Ảnh 3.

Cánh đồng Phước Lâm rộng hàng trăm ha của xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc nằm ở hạ du sông Vu Gia. Phía trên cánh đồng này hơn chục cây số là các thủy điện lớn. Theo chu kỳ sản xuất, thời điểm này, nông dân đã gieo trồng hoa màu. Nhưng năm nay, trời không có mưa, nước sông Vu Gia suy kiệt, nước ngầm không còn để bơm, mặn đang lấn sâu vào nội địa hàng chục km. Với tình trạng này, kế hoạch gieo trồng 22.000 ha các loại rau đậu vụ hè thu của nông dân tỉnh Quảng Nam khó mà thực hiện được.

Để ứng phó với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đến sớm hơn mọi năm, ngoài việc điều chỉnh lịch thời vụ, giảm hơn 500 ha trồng lúa có nguy cơ thiếu nước, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư ngân sách rất lớn để đắp đập ngăn mặn, giữ nước ngọt.

Cùng với đó, vào thời điểm đầu vụ hè thu, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đang gấp rút ứng phó với hạn mặn theo quy chế chia sẻ nguồn nước trên lưu vực sông Thu Bồn và Vu Gia. Ngoài ra, những diện tích có nguy cơ thiếu nước sẽ được chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn.

Nguy cơ thiếu điện do nắng nóng

Cùng với nắng nóng kỷ lục, xâm nhập mặn, thiếu nước thì thiếu điện cũng là 1 trong những mối lo trong mùa hè năm nay ở Bắc Bộ, Trung Bộ. Vậy nguy cơ thiếu điện và tình hình nắng nóng trong những tháng chính hè 5, 6, 7 sắp tới sẽ như thế nào?

Thực tế mới đầu mùa nắng nóng, lượng tiêu thụ điện đã tăng cao rõ rệt. Tại Hà Nội, nếu như trong tháng 4, mức tiêu thụ điện ngày cao nhất khoảng 72 triệu kWh, thì đến ngày 5/5, sản lượng ghi nhận đã tăng lên 78,23 triệu kWh.

Sang ngày 6/5, công suất và sản lượng tiêu thụ điện trên cả nước cũng tăng đột biến khi nắng nóng kỷ lục ở nhiều nơi. Sản lượng điện tiêu thụ cũng đã lên tới 895 triệu kWh.

Nguyên nhân là do nắng nóng khiến các thiết bị làm mát phải hoạt động hết công suất và kéo dài nhiều giờ hơn.

Nguy cơ thiếu nước, thiếu điện do nắng nóng - Ảnh 4.

Trong cao điểm mùa nắng nóng tới đây, miền Bắc sẽ là khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiếu điện. Vì theo Tập đoàn điện lực EVN, dự kiến công suất tiêu thụ tại đây sẽ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong trường hợp xảy ra nắng nóng cực đoan và mực nước các hồ thuỷ điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có thể thiếu 1.600 - 4.900 MW điện trong tháng 5 và tháng 6 tới.

Những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở vì theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến tháng 7 sẽ là giai đoạn nóng nhất ở cả miền Bắc và khu vực Thanh Hóa tới Quảng Ngãi. Cảnh báo số ngày nắng nóng với nhiệt độ trên 35 độ C sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm và nhiều hơn so với năm 2022. Không loại trừ khả năng xuất hiện nắng nóng kỷ lục hay nắng nóng kéo dài bất thường. Thời tiết trên cả nước cũng nóng hơn mọi năm từ 0,5 đến 1 độ C.

Đấy là dự báo dài hạn, còn ngay trước mắt, trong 1 tuần tới, nắng nóng cũng sẽ quay trở lại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Cụ thể Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa tới Quảng Ngãi sẽ nắng nóng diện rộng từ 17/5, tức thứ 4 tuần sau. Nhiệt độ không gay gắt bằng lần trước, dự báo cao nhất sẽ khoảng 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Nhưng thời gian kéo dài ít nhất đến 23/5.

Còn ở phía Đông Bắc Bộ, nắng nóng cũng xảy ra từ ngày 17/5 - 19/5. Như tại thủ đô Hà Nội, dự báo từ thứ 4 đến thứ 6 tuần sau nhiệt độ cao nhất sẽ là 35 - 36 độ C.

Hạn hán nên cần tiết kiệm điện

Trước những dự báo mùa hè năm nay nắng nóng sẽ gay gắt hơn năm ngoái, EVN khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất hãy sử dụng tiết kiệm, hợp lý, nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình. Theo đó:

- Không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, bếp điện, bình nóng lạnh... đặc biệt vào giờ cao điểm.

- Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng.

- Sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng kết hợp với quạt.

Giải pháp tiết kiệm điện lâu dài có thể kể tới là lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, lắp bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, đồng thời nên sử dụng các thiết bị có dán nhãn tiết kiệm điện năng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước