Nguy cơ thiếu thuốc điều trị tay chân miệng

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 06/06/2023 06:35 GMT+7

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc tay chân miệng trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng tăng nhanh, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường phòng chống tay chân miệng. Cụ thể, cần tập trung phòng chống dịch bệnh ở các khu vực có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Các địa phương cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh. Lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Củng cố đội ngũ chống dịch cơ động, nhằm kịp thời điều tra, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Còn tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong tuần cuối tháng 5, đã ghi nhận gần 160 ca bệnh tay chân miệng. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca bệnh không nhiều hơn nhưng lại có tỉ lệ ca nặng cao hơn bình thường.

Đặc biệt, đã có một bệnh nhi tử vong do mắc tay chân miệng độ 4. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh lo ngại bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng cao trong thời gian tới dẫn tới nguy cơ thiếu thuốc điều trị tay chân miệng nặng.

Trong điều trị bệnh tay chân miệng, các bệnh viện đều có phác đồ điều trị và phân ra các cấp độ bệnh để tùy theo độ nào sẽ sử dụng loại thuốc và can thiệp tương ứng. Đối với các ca nặng sẽ sử dụng Phenobarbital truyền tĩnh mạch và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Hiện các bệnh viện đã dự trữ đủ 2 loại thuốc này, nhưng cần được bổ sung thêm trong trường hợp số ca tăng lên.

Đơn vị kiểm soát dịch cần dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh tay chân miệng đúng. Các phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của con mình. Ngoài ra, trong vệ sinh, ngoài chuyện ăn sạch, uống sạch, rửa tay thì đồ chơi, mặt phẳng rất quan trọng. Sàn nhà, tay nắm cửa, mặt bàn và nhất là đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ.

Thông tin từ Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, dự kiến trong tháng 7 sẽ có thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh tay chân miệng. Hiện nay có 13 thuốc chứa immunoglobulin miễn dịch được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Đây là 2 loại thuốc chuyên điều trị bệnh tay chân miệng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước