Nhan nhản những món đồ ăn vặt được bày bán ngoài cổng trường, nhất là đầu giờ sáng và giờ tan học. Học sinh gọi đây là xiên bẩn. Món ăn chiên rán được bán phổ biến xung quanh cổng trường.
Theo tìm hiểu chung thì thực phẩm cổng trường thường không rõ nguồn gốc, không che đậy, quy trình chế biến hoàn toàn bằng tay trần, sử dụng dầu mỡ chiên lại nhiều lần…
Thế nhưng, những món ăn này vẫn cuốn hút đối với học sinh. Sau giờ tan học, các em tụ tập thành từng nhóm mua quà vặt và ăn ngay trên đường phố.
Theo số liệu từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, có tới 70% - 80% thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Đáng lo ngại, hàng ăn vặt được bán trên những xe lưu động, rất khó kiểm soát.
Sau những câu chuyện ngộ độc tập thể từ các đồ ăn bày bán quanh cổng trường, cần có các giải pháp từ trong nhà trường tới các cơ quan liên ngành nhằm giảm bớt những vấn đề phát sinh về an toàn thực phẩm, nhất là của học sinh.
Tình trạng mất an toàn thực phẩm trước các cổng trường học dù được cơ quan chức năng chấn chỉnh nhưng vẫn diễn ra, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa gia đình, nhà trường, học sinh. Trên hết là trách nhiệm nghề nghiệp, lương tâm của những người bán hàng và sự giám sát của các cơ quan chức năng. Thực phẩm là một loại hàng hóa đặc biệt, cần chú trọng các quy định về ATTP.
Tăng cường giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn
Với hơn 70 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Thành phố sẽ tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, các đơn vị sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn, chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Với mức thu lợi khổng lồ từ vịêc buôn bán thực phẩm bẩn thì các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục và hoạt động ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng sử dụng các mạng xã hội để có thể quảng cáo, đưa những hình ảnh bao bì rất là bắt mắt, đặc biệt là giá thành rẻ để thu hút người tiêu dùng. Điều này cũng là một trong những khó khăn cho lực lượng chức năng.
Thực hiện tháng cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm,các lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường đẩy mạnh kiểm tra các điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng, các giao dịch thương mại điện tử chào bán, quảng cáo thực phẩm để kịp thời phát hiện, kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm.Tuy nhiên người tiêu dùng cũng nên chủ động hơn nữa trong việc tự bảo vệ chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!