Xóm Bãi, Xã Phong Vân, huyện Ba Vì nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng, bên này là địa phận của Hà Nội, bên kia thuộc đất Phú Thọ. Những ngày qua hiện tượng sụt lún, gây nứt nhà dân vẫn đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng này cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định một số nguyên nhân ban đầu và có những biện pháp để bảo vệ an toàn cho các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Thị Thắng, xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho biết: "Trước nứt bé thôi, vừa rồi cứ thế roác ra. Nhà nào cũng nứt, nhà nặng, nhà nhẹ.
Theo người dân ở đây, vết nứt bất thường xuất hiện từ cuối năm 2023,, nhưng có chiều hướng ngày càng gia tăng, chạy dọc theo bờ sông khoảng hơn 100m. Hiện tượng này khiến một số căn nhà, sân bãi, tường bao của các hộ dân trong vùng ảnh hưởng bị nứt theo. Vì xây từ lâu nên căn nhà của anh Lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Căn nhà xuất hiện vết nứt lan rộng, nên không thể đảm bảo an toàn khi ở trong nhà.
"Chỗ này nứt từ tháng 1 dương. Trước mẹ tôi vẫn ở đây, nhưng nứt quá mới chuyển đi chỗ khác. Hiện tại nứt suốt dải nứt từ đây cuối xóm", anh Ngô Văn Lịch, xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội, chia sẻ.
Người dân ở đây chưa bao giờ nghĩ lâm vào cảnh mất nhà, mất cửa chóng vánh đến vậy. Căn nhà xuất hiện vết nứt lan rộng, nên không thể đảm bảo an toàn khi ở trong nhà.
Nhà xây từ lâu nứt đã đành. Một số nhà mới xây kiên cố được vài năm nay cũng đã xuất hiện vết nứt chạy dọc ở chân móng và ngoài sân. Nhà là nơi để ở, nhưng giờ bà Giòn không thể yên tâm khi ở trong chính căn nhà của mình.
"70 tuổi đầu mới làm được cái nhà. Bây giờ nứt nẻ, rạn hết thế này", bà Ngô Thị Giòn xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội, bày tỏ.
"Ăn không ngon, ngủ không yên, nhỡ sạt lở thì chúng tôi rất khổ", chị Trương Thị Thanh, xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho hay.
Trước tình trạng bất thường kể trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp khảo sát địa chất và mời các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân.
Theo báo cáo, địa chất khu vực này yếu, vị trí kè Phong Vân thuộc ngã ba hợp lưu sông Đà và sông Hồng nên dòng chảy phức tạp. Ngoài ra, sự suy giảm lượng cát dưới lòng dẫn sông Đà do hoạt động khai thác cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
"Chúng tôi đã báo cáo với hạt quản lý đê Ba Vì và cùng với hạt quản lý đê Ba Vì rà soát, kiểm tra từng hộ. Hiện có 42 hộ bị nứt nhà, tường nhà, bị ảnh hưởng trực tiếp", ông Đào Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Vân, huyện Ba Vì, Hà Nội, thông tin.
Khu vực diễn ra hiện tượng sạt lở đã được thi công xây dựng hệ thống đê kè kiên cố. Tuy nhiên, tình trạng xói lở đã khiến các công trình kè đê bên bờ sông bị mất chân, tạo thành vách đứng. Hiện ở khu này đang có khoảng 140 hộ dân sinh sống. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm có các biện pháp đảm bảo an toàn, gia cố tuyến đê kè để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình.
Liên quan đến tình trạng này, UBND TP Hà Nội cũng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo, giao các cơ quan chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ với phía Hà Nội để thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản, cát sỏi lòng sông tại vùng giáp ranh giữa 2 địa phương; đồng thời, thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống thiên tai, ngăn chặn xử lý dứt điểm các vi phạm về khai thác cát trái phép.
Nhiều nhà dân ven sông Hồng bị lún nứt VTV.vn - Thời gian qua, tại địa bàn xóm Bãi, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, hiện tượng sụt lún đã bất ngờ xảy ra gây nứt nhà một số hộ dân trên địa bàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!