16h, nhiều công nhân đã có mặt ở Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường. Đây cũng lúc nhà máy bắt đầu xử lý rác. Công việc kéo dài đến 8h sáng hôm sau. Công nhân cho biết, những ngày qua, họ liên tục làm việc và hoàn toàn không có chuyện nhà máy ngưng xử lý rác thải, mặc dù trước đó phía nhà máy dự định tạm ngưng hoạt động.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường đi vào hoạt động từ năm 2015, chủ đầu tư là Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh. Rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Lạt được chuyển về Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường. Trung bình mỗi đêm, nhà máy tiếp nhận 370 tấn rác.
Đại diện Nhà máy cho rằng công ty gặp khó khăn về tài chính nên chỉ duy trì việc xử lý rác thải theo kiểu được lúc nào hay lúc ấy. Trước đây, Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường được UBND thành phố Đà Lạt áp đơn giá xử lý rác là 461.000 đồng/1 tấn rác. Thế nhưng, cuối tháng 5 vừa qua, đơn giá điều chỉnh xuống chỉ còn 129.500 đồng/tấn rác.
Những ngày qua, UBND thành phố Đà Lạt cùng Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh tìm cách tháo gỡ khó khăn, không để nhà máy xử lý rác ngừng hoạt động, bởi nếu việc xử lý rác chỉ cần tạm dừng 1- 2 ngày, rác thải tập kết về đây sẽ bị ứ đọng.
Như vậy, việc Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường gặp khó khăn, dễ dẫn đến ngưng hoạt động xuất phát từ vấn đề chi phí. Công nghệ xử lý rác thải của nhà máy này đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa có quy trình xử lý rác hiện đại như cam kết của chủ đầu tư lúc ban đầu. Rõ ràng, giải pháp lâu dài đối với xử lý rác ở thành phố Đà Lạt là phải thu hút thêm những dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt với công nghệ hiện đại, giảm chi phí và mang lại hiệu quả nhiều hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!