Chỉ còn 3 ngày để "cánh mày râu" chuẩn bị quà cho mẹ, vợ hay bạn gái dịp 20/10. Và có lẽ không gì dễ lựa chọn hơn là mỹ phẩm, sản phẩm luôn được nhiều phụ nữ yêu thích và muốn được tặng trong những dịp như thế này. Tuy nhiên, khách hàng nên mua mỹ phẩm ở đâu, mua như thế nào, lựa chọn ra sao, liệu rằng họ đã mua mỹ phẩm đúng như những gì quảng cáo hay chưa?
Mới đây, một lô hàng mỹ phẩm nhập lậu từ Hàn Quốc về Việt Nam qua cảng Cát Lái, TP.HCM đã bị lực lượng hải quan phát hiện. Lô hàng do Công ty Sản xuất Thương mại Võ Nguyễn ở quận 2 đứng tên. Trong tờ khai nhập khẩu, hàng nhập là tấm nhựa PVC từ Hàn Quốc với trị giá trên 200 triệu đồng. Số hàng này được giấu trong container, phía ngoài ngụy trang bằng nhựa PVC. Qua kiểm tra, bên trong có khoảng 6.000 hộp thuốc nhuộm tóc, 600 đôi giày và gần 40 kiện hàng quà biếu cá nhân… Toàn bộ số hàng nêu trên không được khai báo hải quan. Nếu số hàng này được đưa trót lọt vào thị trường, việc kiểm soát chất lượng là rất khó khăn vì không có giấy tờ đi kèm.
Ngoài những sản phẩm nhập lậu, dòng sản phẩm bị làm nhái, làm giả cũng nhan nhản trên thị trường. Ở Việt Nam, bất cứ hãng nào nổi tiếng đều có hàng nhái, hàng kém chất lượng giống hệt như hàng thật. Và cũng hiếm có nơi nào như ở nước ta mỹ phẩm được bán với giá bình dân và mua dễ dàng như mớ rau, con cá ngoài chợ.
Mỹ phẩm được bán nhan nhản với mức giá bình dân. (Ảnh: Dân trí)
Theo cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen và Tổ đặc quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, hiện có đến hơn 50% số mỹ phẩm trên thị trường Việt Nam bị làm giả, làm nhái. Giống như nhiều mặt hàng khác, việc mua mỹ phẩm trực tuyến hay trực tiếp ở ngoài thị trường đều rất dễ dàng, vì thế, nguy cơ mua phải mỹ phẩm giả, mỹ phẩm làm nhái cũng là điều dễ xảy ra. Không chỉ có các sản phẩm bình dân mới bị làm giả, làm nhái, ngay cả các sản phẩm cao cấp cũng không tránh được tình trạng này.
Đối với người tiêu dùng, các loại mỹ phẩm đều có các tiêu chuẩn lựa chọn chung như:
- Mua ở các cửa hàng, nơi phân phối chính hãng;
- Chỉ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, kiểm định về chất lượng, hạn sử dụng;
- Kiểm mã code, mã vạch của sản phẩm;
- Không mua các loại sản phẩm quảng cáo trôi nổi trên thị trường.
Tuy nhiên, trong một thị trường hàng hóa quá sôi động với các hoạt động buôn bán trực tiếp hoặc online như mỹ phẩm, khó khăn lớn nhất với cơ quan chức năng chính là các đối tượng bán trực tuyến không có cửa hàng, chỉ thông qua các trang web mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Việc bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, các trang web được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn đã khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý. Vì thế, sự hiểu biết là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng tự mình bảo vệ mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!