Thế hệ gen Z được định nghĩa là những người trẻ sinh từ khoảng năm 1995 - 1997 đến năm 2012, một thế hệ được lớn lên trong thời đại Internet phát triển đến cực thịnh. Thế nên gen Z cũng có những điểm rất khác biệt với các thế hệ trước, luôn tự tin bày tỏ quan điểm cá nhân, có góc nhìn đa chiều và thích phá vỡ những nguyên tắc. Việc này ảnh hưởng như thế nào đến các mối quan hệ trong thị trường lao động? Đó sẽ là chủ đề của "Chuyện nóng" ngày hôm nay.
Những ngày qua, mạng xã hội vẫn xôn xao với câu chuyện khi một công ty lên bài bóc phốt "nhân viên gen Z đã đột nhập xóa dữ liệu sau khi bị đuổi việc". Sau đó là liên tiếp những bài đăng dài, chi tiết lý giải đúng - sai giữa 2 bên: Người lao động và Người sử dụng lao động.
Có vẻ như lại thêm một sự kiện nữa cho thấy sự khó chiều của các nhân sự gen Z. Và như thường lệ, công đồng mạng lại chia phe bình luận.
Thời điểm này mặc dù công ty kia đã bày tỏ mong muốn khép lại câu chuyện lùm xùm này, nhưng vẫn tiếp tục có những ý kiến phản biện từ gen Z trong cuộc, kéo theo đó là nhiều luồng ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ cộng đồng những nhà quản lý nhân sự. Với những khán giả chưa biết tới câu chuyện này, theo những thông tin được công khai từ 2 phía: Người lao động và Người sử dụng lao động, câu chuyện được tóm tắt nhanh như sau:
Từ phía công ty kia, câu chuyện là công ty này quyết định chấm dứt thỏa thuận lao động với 2 nhân sự gen Z và thông báo sẽ giữ 25h lương gần nhất đến khi toàn bộ công việc được bàn giao xong xuôi. Công ty đã liên tục liên hệ để tiến hành bàn giao công việc nhưng 2 nhân sự này lại liên tục thoái thác, không có mặt. Sau đó, 2 nhân sự này còn vào facebook và Google drive của công ty để xóa đi nhiều dữ liệu quan trọng mà theo lời của công ty, họ đã chi ra hàng chục tỉ đồng để đầu tư cho các dữ liệu đó. Cuối cùng, Công ty mang câu chuyện này, kèm theo hình ảnh cá nhân của 2 nhân sự gen Z kia lên mạng xã hội với mục đích nguyên văn là để "toàn thể cộng đồng các anh chị em đang làm tuyển dụng và các công ty lưu ý và cảnh giác".
Tất nhiên ở chiều ngược lại, nhân sự gen Z trong câu chuyện cũng không thiếu những bằng chứng, từ tin nhắn tới ghi âm để chứng minh mình không tệ như thế.
Là người ngoài nhìn vào câu chuyện, điều nên làm với chúng ta lúc này có lẽ là nghe bằng cả 2 tai và nhìn ra một số điểm có vấn đề:
1. Việc công ty giữ lương của người lao động 25h gần nhất.
2. Trách nhiệm bàn giao công việc của nhân viên khi nghỉ việc.
3. Việc công ty khẳng định nhân viên đã phá hoại tài sản.
4. Việc công ty đưa chuyện lùm xùm này lên mạng xã hội.
Cùng xem xét 4 chi tiết trên dựa trên một quan điểm rất cơ bản, cô đọng dưới góc nhìn của luật:
+ Về việc công ty giữ lương của người lao động 25h gần nhất với lý do chỉ hoàn trả sau khi bàn giao công việc xong: Theo Điều 48 Bộ luật lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động trừ trường hợp quy định có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày (trong đó có tiền lương).
Như vậy, người sử dụng lao động không được giam lương của người lao động quá 30 ngày khi người lao động nghỉ việc dù bằng bất cứ lý do nào.
+ Về trách nhiệm bàn giao công việc: Theo Điều 5 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao đồng, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác. Như vậy, nếu như trong hợp đồng lao động có thỏa thuận về việc bàn giao công việc trước khi nghỉ việc thì người lao động phải có trách nhiệm bàn giao công việc.
Nhưng hãy chú ý, trong tất cả các bài viết dài của mình, bên công ty không hề nhắc tới hợp đồng lao động, còn trong bài viết của bạn gen Z kia lại có một dòng viết: "Em không được ký hợp đồng lao động nào trong suốt 5 tháng làm việc…"
+ Về việc Công ty khẳng định nhân viên đã phá hoại tài sản: Cần làm rõ, việc nhân viên xóa dữ liệu trên các nền tảng của doanh nghiệp có là hành động bị cấm trong quy định của công ty hay không và quan trọng hơn là quy định này đã được đăng ký hay chưa. Vì theo Bộ luật Lao động 2019, Người sử dụng lao động có từ 10 người lao động trở lên phải đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người sử dụng lao động đăng ký kinh doanh.
+ Cuối cùng, về việc công ty đưa chuyện lùm xùm này lên mạng xã hội. Chắc chắn việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý là sai. Thêm nữa, hiệu quả của việc cảnh báo các nhà tuyển dụng khác chưa thấy đâu, điều thấy dễ nhất là hậu quả của việc làm này khi hơn 50% tương tác với các bài viết trên fanpage công ty là thả phẫn nộ.
Gen Z nói về thế hệ của mình
Chẳng riêng gì doanh nghiệp, về phía nhân sự gen Z kia có lẽ cái mất cũng đang chiếm phần nhiều. Bởi người bạn này đã có riêng hẳn 2 bài nhận xét dài được đăng công khai thay cho mục "Người tham chiếu" thường ở cuối mỗi CV xin việc.
Gen Z - một thế hệ cá tính và thẳng thắn, thế nhưng chỉ cần tìm kiếm cụm từ "nhân sự gen Z" là ta sẽ thấy ngay, lực lượng lao động này đang bị đóng khung với nhãn dán là: nhanh nhạy nhưng chịu áp lực kém; Đau đầu với nhân sự gen Z; Tự tin nhưng tự cao; Ngày càng đòi hỏi nhiều quyền lợi…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tới năm 2025, gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Đó là điều chẳng thể thay đổi, vậy nên cố gắng thấu hiểu và giúp các nhân sự gen Z trưởng thành là cách duy nhất.
Khi gen Z đã quyết định gắn bó, đó sẽ là sức sáng tạo bứt phá tuyệt vời cho doanh nghiệp. Tận dụng và khơi gợi nguồn năng lượng đó thế nào mới là bài toán quan trọng cần lời giải từ phía những đơn vị sử dụng lao động.
Cùng đi tìm câu trả lời trong cuộc trò chuyện của Chuyện nóng với chị Nguyễn Thái Hà - chuyên gia tư vấn tuyển dụng doanh nghiệp và cũng là một nhân vật nổi tiếng về tư vấn tuyển dụng trên TikTok:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!