Do khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên đến nay Công ty cổ phần hạ tầng giao thông Đèo Cả - đơn vị quản lý vận hành mới chỉ mới tạm thời xử lý để kịp thời thông tuyến đường dẫn phía Nam vào 2 hầm đường bộ; còn hầu như toàn bộ 24 km tuyến đường đèo từ địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế đến TP Đà Nẵng vẫn chưa được khắc phục.
Đất đá đổ xuống, uy hiếp người đi đường. Ảnh: PLO.
Qua khảo sát, toàn tuyến đường đèo Hải Vân có đến 56 vị trí sạt lở ta luy dương, đá tảng lăn làm lấp rãnh dọc, cống, tràn mặt đường trong đó có 2 vị trí sạt lở gây tắc đường hoàn toàn, 06 vị trí sạt lở ta luy âm và gây hư hỏng mặt đường, rãnh dọc. Không chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn giao thông, sạt lở nặng nề trên cung đường du lịch Hải Vân còn ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ dân sống nhờ kinh doanh du lịch-dịch vụ trên tuyến.
Nhiều đất đá đổ xuống đường đèo. Ảnh: PLO.
Để có cơ sở triển khai các bước xử lý chướng ngại vật, khắc phục sạt lở, hiện tại Công ty cổ phần hạ tầng giao thông Đèo Cả đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh khối lượng và đang đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Ông Võ Ngọc Trung - Phó Tổng giám đốc Công ty CP hạ tầng giao thông Đèo Cả - cho biết: "Chúng tôi đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị QL nhà nước trên địa bàn, Bộ giao thông để tiến hành khắc phục sạt lở trên đèo Hải Vân, trong lúc mùa mưa lũ vẫn còn tiếp diễn tại miền Trung".
Xử lý dứt điểm, căn bản các điểm sạt lở trên đèo Hải Vân đang trở thành nhiệm vụ khẩn cấp của các bên liên quan, vừa kịp thời đảm bảo an toàn giao thông qua tuyến vừa tránh những thiệt hại đáng tiếc khi miền Trung đang bước vào cao điểm mưa lũ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!