Nhiều địa phương trên cả nước đã có những gói hỗ trợ giúp nhóm đối tượng này tạm duy trì cuộc sống, cùng sẻ chia, vượt qua khó khăn trong đại dịch.
TP Hồ Chí Minh thành lập các trung tâm an sinh xã hội
Dịch COVID-19 đẩy nhiều người vào tình trạng khó khăn. Những ngày qua, không ít người lao động tự do, lao động ngoại tỉnh tìm cách rời TP Hồ Chí Minh về quê. Còn những ai đang cố gắng bám trụ lại cũng sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết này, chính quyền thành phố đã thành lập các Trung tâm an sinh xã hội đặt tại từng quận huyện. Nhiệm vụ của những trung tâm này là tiếp nhận và kịp thời hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm tới tận tay người dân đang gặp khó khăn.
Trung tâm an sinh sẽ phối hợp với lực lượng từng phường, rà soát lại toàn bộ những nhu cầu người nghèo, cận nghèo, người khó khăn ảnh hưởng bởi COVID-19. Trung tâm an sinh là đầu mối tiếp nhận hỗ trợ và đều có bộ phận giám sát để đảm bảo việc chuyển hỗ trợ đến đúng đối tượng.
TP Hồ Chí Minh từ 16/8 sẽ tiếp tục giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa. Để có thể thực hiện tốt phương châm "ai ở đâu thì ở đấy", việc triển khai hàng loạt các trung tâm an sinh xã hội tại nhiều quận huyện và TP Thủ Đức sẽ giúp nhiều người dân khó khăn có thể ở lại và chung tay cùng thành phố chống dịch.
Ninh Thuận hỗ trợ công dân về từ vùng dịch
Còn tại Ninh Thuận, những ngày qua đã có khoảng 2.000 công dân từ Đồng Nai và các tỉnh phía Nam tự phát về địa phương này nhưng có tới 400 người trong số này mắc COVID-19. Điều này đang gây sức ép rất lớn cho Ninh Thuận về cơ sở cách ly, điều trị cũng như làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh
Tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp, chỉ đạo cơ quan chức năng địa phương đề nghị gia đình có người thân làm việc tại tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người thân không trở về Ninh Thuận tới khi hết giãn cách.
Khi các địa phương hết giãn cách xã hội và Chính phủ có chủ trương, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch tổ chức đón người dân Ninh Thuận trở về một cách có tổ chức, an toàn, hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Hà Nội hỗ trợ lao động tự do yên tâm chống dịch
Bên cạnh việc gấp rút triển khai việc hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 từ gói 26.000 tỷ đồng trong NQ 68 thì bằng nguồn xã hội hóa, Hà Nội đã hỗ trợ thêm nhiều nhóm đối tượng khác để họ yên tâm ở lại chống dịch.
Xóm nhỏ tại Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm có tới vài chục người không thể về quê do giãn cách, không việc làm, không thu nhập. Quận Hoàn Kiếm có hàng nghìn người như vậy. Sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương và ngành Lao động - Thương binh Xã hội Thủ đô đã giúp họ cảm thấy yên tâm hơn.
Còn với 9 lao động người Điện Biên, vừa xuống được vài ngày thì Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội. Chưa kịp tìm việc mà tiền thì không có, rất nhanh chóng, họ đã được chính quyền huyện Chương Mỹ lo chỗ ăn ở và hỗ trợ lương thực thực phẩm chờ hết dịch đi làm.
Dù lao động tự do ngoại tỉnh không phải là đối tượng thuộc Nghị quyết 68 nhưng quan điểm của Hà Nội là sẽ hỗ trợ bất cứ người dân nào trên địa bàn gặp khó khăn, để họ yên tâm thực hiện giãn cách xã hội, tránh lây lan dịch bệnh.
Cam kết không để ai bị thiếu ăn và chỗ ở, thành phố đã có công văn 2647 chỉ đạo các quận huyện và Sở Lao động - Thương binh Xã hội đảm bảo nơi cư trú cho lao động ngoại tỉnh không có chỗ ở, chăm lo đời sống cho lao động tự do gặp khó khăn và xây dựng phương án đưa lao động về địa phương khi có điều kiện.
Hiện nay, Công an Thành phố Hà Nội đang tập hợp danh sách những người muốn về quê hoặc từ các địa phương về Hà Nội để chủ động tham mưu với các cơ quan chức năng với mục đích hỗ trợ họ. Việc này nhằm tránh tình trạng người dân tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân về, không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!