Sau khi Hà Nội nhận bàn giao vào lúc 7h ngày 6/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ bắt đầu khai thác thương mại sáng cùng ngày.
Về kế hoạch vận hành, năm đầu tiên sẽ chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể trong 6 tháng đầu, giờ mở tuyến là 5h30 đến 20h hàng ngày. Sau 6 tháng đầu, giờ hoạt động của tàu sẽ tăng lên từ 5h30 đến 22h30.
9h ngày 6/11, sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao dự án cho Hà Nội, tàu sẽ vận hành thương mại từ 5h30 và kết thúc lúc 22h hàng ngày. Ảnh: VOV
Người dân được đi tàu miễn phí trong 15 ngày đầu. Ảnh: VOV
Trong năm đầu vận hành, tuyến đường sắt trên cao cần huy động 680 người vận hành, trên tổng số dự kiến 733 người. Trong đó, hơn 200 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trong nước. 51 lái tàu đã được cấp phép theo quy định của Luật Đường sắt. Ảnh: VOV
Trong 15 ngày đầu sẽ mở cửa miễn phí với hành khách, sau đó sẽ bán vé. Giá vé lượt từ 8.000 - 15.000 đồng/chặng; vé tháng với khách bình thường là 200.000 đồng, nhóm ưu tiên là 100.000 đồng và miễn phí với khách ưu tiên đặc biệt tương tự như khách đi xe bus.
Như vậy sau một thập kỷ thi công chậm tiến độ, đội vốn, tới thời điểm này, tất cả các công tác chạy thử nghiệm, nghiệm thu công trình đều đã hoàn tất.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km và đi trên cao với 12 ga. Khi dự án được đưa vào vận hành khai thác không chỉ góp phần giải tỏa ùn tắc trên trục đường Nguyễn Trãi, Hà Đông mà còn tạo một trục đường đường kết nối khu vực trung tâm với phía Tây Nam thành phố.
Phòng cách ly nếu phát hiện người nghi nhiễm Covid-19 được thiết lập tại nhà ga Cát Linh. Ảnh: VOV
Tại các nhà ga đều có thang máy và nhà vệ sinh có lối đi riêng cho người khuyết tật. Ảnh: VOV
Khi đi tàu, hành khách có thể quan sát nhiều điểm di tích của Hà Nội, những ngôi nhà tập thể len lỏi trong tòa cao ốc, các đình chùa, hồ nước chạy dọc tuyến đường. Ảnh: VOV
Lợi thế của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là có thể vận chuyển khối lượng lớn hành khách. Bên cạnh đó, lưu thông trên làn đường riêng, không có giao cắt sẽ duy trì được tốc độ và đảm bảo đúng giờ, điều mà các loại hình vận tải khách công cộng khác như xe bus không có.
Theo các chuyên gia giao thông đô thị, tuyến đường không chỉ thu hút được người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế xã hội.
Để phát huy hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, TP Hà Nội đã phê duyệt phương án kết nối xe bus với các nhà ga nhất là điểm đầu và điểm cuối, đồng thời thành lập tổ ứng phó để giải quyết những vấn đề khẩn cấp.
Theo kế hoạch trong 6 tháng đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác 6 đoàn tàu với tần suất 10 phút/chuyến. 6 tháng sau sẽ khai thác 9 đoàn tàu với tần suất 6 phút/chuyến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!