Nhiều sai phạm trong tổ chức, quản lý tại đền Chợ Củi

Đỗ Hòa-Thứ tư, ngày 31/01/2024 06:05 GMT+7

VTV.vn - Theo kết luận thanh tra UBND tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng 1 này, công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích Quốc gia đền Chợ Củi đã có nhiều sai phạm.

Đền Chợ Củi hay còn được biết đến với tên đền ông Hoàng Mười thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vốn được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia và thu hút hàng năm rất đông du khách ghé thăm.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra UBND tỉnh Hà Tĩnh vào đầu tháng 1 này, công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích này đã có nhiều sai phạm.

Cụ thể, Ban Quản lý di tích Quốc gia đền Chợ Củi đã không đảm nhận, thể hiện được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình. Các hạng mục công trình tại đền chưa được đầu tư theo quy hoạch, xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép trên đất nhà nước quản lý, vi phạm hành lang bảo vệ sông.

Ban Quản lý di tích cũng đã thực hiện việc giao khoán thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền tài trợ, cúng tiến của các tổ chức, cá nhân cho gia đình thủ nhang mà không có quy chế phân cấp rõ ràng, cụ thể về nguồn thu, nhiệm vụ chi dẫn đến không nắm được số liệu thực tế thu chi...

Xử lý sai phạm trong quản lý di tích Quốc gia đền Chợ Củi

Hơn 20 ngày sau kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ban quản lý Đền Chợ Củi đã có hướng xử lý khắc phục các vi phạm, tuy nhiên vẫn có những hiện trạng chưa có nhiều chuyển biến…

Hiện nay có 3 ca trực, mỗi ca 3 - 4 người; đầu ca giao ban, giao mã QR, sổ chuyển giao, công đức, cuối ngày thì tổng kết ca… đó là quy trình tiếp nhận tiền công đức mới đang được thực hiện tại di tích Quốc gia đền Chợ Củi. Việc chưa lập sổ ghi chép rõ ràng, không công khai, minh bạch các khoản thu chi tiền công đức cũng đã được chấn chỉnh.

Nhiều sai phạm trong tổ chức, quản lý tại đền Chợ Củi - Ảnh 1.

Di tích Quốc gia đền Chợ Củi mỗi năm thu hút rất nhiều du khách. (Ảnh: NLĐ)

Quản lý tiền công đức chỉ cần một quy trình đúng và đủ, nhưng có những sai phạm, bất cập vẫn phải chờ để xử lý, như lối vào di tích Quốc gia đền Chợ Củi vẫn được quây kín bởi các gian hàng dịch vụ bán đồ lễ. Ngay trong khu vực đền là hàng quán giải khát với đủ các biển bảng, phông bạt… Tượng đá trở thành nơi người bán hàng dựng ghế…

"17 ki-ốt kinh doanh tự phát lấn chiếm đất bờ sông, và hai bên đường đi vào đền để kinh doanh. Nội dung này đã được kết luận thanh tra chỉ rõ và yêu cầu UBND huyện giải tỏa", ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cho biết.

"Sau khi rà soát, cắm mốc định danh giới thì sẽ tiến hành bảo vệ khu vực 1 của di tích theo Luật Di sản", ông Phạm Quang Hòa, Trưởng ban quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, thông tin.

Hiện khu vực bãi đỗ xe và dịch vụ của khu di tích cũng đang được xây dựng. Tuy nhiên, để sớm đảm bảo quy hoạch cảnh quan khu di tích, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng vẫn là bài toán về sự tuân thủ và đồng lòng của những người đang sống nhờ di tích.

Bài toán nâng cao hiệu quả quản lý và phát huy giá trị di tích

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đã đến Tết, cũng là thời điểm các sai phạm dễ phát sinh và nhập nhèm nhất khi có đông khách thập phương đổ về cúng lễ. Vì vậy việc xử lý các sai phạm đã chỉ ra trong kết luận của đoàn thanh tra tỉnh không phải là câu chuyện giải quyết tình huống trước mắt, mà phải làm sao để có hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy tốt nhất những giá trị của di tích, việc hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước với việc đảm bảo các hoạt động tâm linh theo tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ tại đây cũng là bài toán cần lời giải.

Tấm bia giữa đền là sự ghi nhận công tu bổ, sửa chữa của các gia đình thủ nhang cùng nhân dân địa phương, thập phương khi đền bị xuống cấp nghiêm trọng vào năm 2015. Theo ông Quý, đại diện cho hai gia đình đồng thủ nhang, sự gắn bó của các gia đình với ngôi đền không chỉ ở một tấm bia.

"Đến đời chú nữa là 8 đời. Cứ thủ nhang từ đời này qua đời khác để chăm lo nội tự, hương khói hằng ngày", ông Nguyễn Sỹ Quý, xã Xuân Hồng, Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, chia sẻ.

Tuy nhiên, từ ngày 15/1 vừa qua, ông Quý và các gia đình thủ nhang đã không còn đảm nhận công việc chăm lo hương khói, hoạt động tâm linh hàng ngày của đền.

"Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch của huyện để thực hiện chức năng quản lý khu vực di tích đền Chợ Củi. Ban này được giao 20 biên chế, con người đầy đủ, cụ thể. Về vấn đề thủ nhang, đó là thuật ngữ trong tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ, còn trong văn bản nhà nước thì không có quy định cụ thể", ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cho biết.

"Khi thành lập ban của dịch vụ công ích này phải là người của nhà nước. Chú thì hết tuổi lao động và không trong biên chế của nhà nước, chứ nguyên tắc của đền thì đền phải có thủ nhang", ông Nguyễn Sỹ Quý, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nói.

Khẳng định biên chế, con người đầy đủ để đơn vị quản lý thực hiện công việc tại di tích, nhưng với nhiều người dân địa phương, hoạt động tại ngôi đền không chỉ cần được quản lý, thực hiện bởi các quy định… Đã có những băn khoăn liệu các nghi lễ tâm linh có được thực hiện đúng, đủ hay không?

Hiện, hai gia đình đồng thủ nhang đã làm đơn đề xuất được tiếp tục đảm nhận công việc của thủ nhang.

"Việc này chúng tôi đã giao cho ban là đơn vị trực tiếp quản lý di tích. Trên cơ sở xem xét nguyện vọng, năng lực cá nhân và các điều kiện khác và cũng ưu tiên cho những gia đình có công tu bổ, bảo vệ di tích", ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cho hay.

Tấm bia ghi nhận công đức giữa đền vẫn còn đây, nhưng huy động sức dân trong bảo vệ di tích, đặc biệt là di tích gắn với hoạt động tín ngưỡng không chỉ là chuyện góp của, góp công, mà còn cần phát huy được trí tuệ, nguyện vọng của nhân dân trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa tâm linh truyền thống. Bởi di tích là gắn với nhân dân, sống trong lòng dân.

Hà Nội điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan tại một số di tích lịch sử, thắng cảnh Hà Nội điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan tại một số di tích lịch sử, thắng cảnh

VTV.vn - HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết điều chỉnh tăng mức thu phí tham quan đối với các di tích, danh lam thắng cảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước